Hỗ trợ chuyển đổi số nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh

Tuấn Phong| 23/08/2021 09:18

BVCL - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đang nghiên cứu, xây dựng dự thảo Chương trình Hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025 nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn và cấp bách của các cơ sở sản xuất kinh doanh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đại dịch COVID-19.

Việt Nam có nhiều lợi thế để trở thành một trong những thị trường thương mại điện tử (TMĐT) phát triển hàng đầu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nhận định này được các tổ chức tín dụng quốc tế uy tín đưa ra dựa trên các tham chiếu: Dân số trẻ, tầng lớp trung lưu tăng mạnh, 68 triệu người (trên 65% dân số) sử dụng internet...

Mặc dù tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội, nhưng đại dịch Covid-19 lại được coi là “cú hích” đáng kể đối với TMĐT tại Việt Nam nói riêng. Điều này thể hiện rõ qua sự thay đổi trong xu hướng mua hàng của người tiêu dùng khi ngày càng nhiều người chuyển từ đi chợ truyền thống sang mua trực tuyến. Thanh toán bằng ví điện tử trên nhiều nền tảng như: MoMo, ZaloPay, PayPal... trong các giao dịch TMĐT cũng đang phát triển nhảy vọt tại thị trường Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã chủ động đưa TMĐT vào chiến lược phát triển và xây dựng kênh phân phối trực tuyến. Các sàn TMĐT đang từng bước trở thành một kênh phân phối mới trong tiêu thụ nông sản, giúp nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chủ động đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng trong nước và quốc tế thuận tiện hơn.

Đóng góp quan trọng từ hoạt động chuyển đổi số có thể thấy rõ từ 7.000 tấn vải thiều của Bắc Giang được tiêu thụ trên sàn TMĐT. Mô hình thành công này đang được các tỉnh, thành phía Nam áp dụng hiệu quả trong giải bài toán ùn ứ trái cây trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh.

Với tốc độ tăng trưởng 18% và quy mô đạt 11,8 tỷ USD, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng TMĐT 2 con số trong năm 2020. Các chuyên gia dự báo, doanh số TMĐT tại Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 18,8% trong năm nay và đạt 26,1 tỷ USD vào năm 2024. Điều đó có nghĩa là Việt Nam đã sẵn sàng cho sự bùng nổ của TMĐT.

Theo dự thảo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mục đích của chương trình nhằm thúc đẩy chuyển đổi số thông qua chuyển đổi nhận thức, tầm nhìn, chiến lược của doanh nghiệp; hỗ trợ số hóa các hoạt động kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình công nghệ, sản xuất; hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh (gọi chung là cơ sở sản xuất kinh doanh).

anh-1.jpg
Mục tiêu đến năm 2025, có 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.

Mục tiêu đến năm 2025, có 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu 500.000 cơ sở sản xuất kinh doanh được nhận các hỗ trợ từ chương trình như sử dụng công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, hỗ trợ đào tạo, tư vấn, tham gia các gói ứng dụng giải pháp công nghệ chuyển đổi số; tối thiểu 800 doanh nghiệp, 100 hợp tác xã và 4.000 hộ kinh doanh được hỗ trợ là các thành công điển hình trong chuyển đổi số, ưu tiên trong một số lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo, nông nghiệp, du lịch.

Cùng với đó, thiết lập mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 500 tổ chức, cá nhân tư vấn thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; bản đồ hóa và công bố cơ sở dữ liệu gồm tối thiểu 100 giải pháp công nghệ chuyển đổi số cho các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Chương trình dự kiến triển khai trong giai đoạn 2021-2025 trên phạm vi toàn quốc. Đối tượng của chương trình là các cơ sở sản xuất kinh doanh gồm doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh có nhu cầu chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Các cơ quan, tổ chức thực hiện chương trình là các cơ quan, tổ chức được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ, các hội, hiệp hội triển khai hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ sở sản xuất kinh doanh theo Chương trình và các bên cung cấp sản phẩm, dịch vụ chuyển đổi số là các doanh nghiệp, cá nhân cung cấp dịch vụ, giải pháp công nghệ chuyển đổi số cho các cơ sở sản xuất kinh doanh.

anh-2.jpg
Hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, dự thảo đưa ra 7 nhóm hoạt động dự kiến triển khai trong chương trình. Cụ thể, xây dựng các tài liệu, công cụ hướng dẫn chuyển đổi số và môi trường số triển khai chương trình: phát triển, vận hành cổng thông tin, ứng dụng điện thoại thông minh của chương trình nhằm tạo môi trường số triển khai các hoạt động, tăng cường tương tác giữa các đối tượng của chương trình trên môi trường số; xây dựng các tài liệu, công cụ hướng dẫn dùng chung.

Cùng với đó, hình thành và tổ chức điều phối mạng lưới chuyên gia tư vấn về chuyển đổi số cho các cơ sở sản xuất kinh doanh: phát triển và nâng cao năng lực của các chuyên gia tư vấn chuyển đổi số theo các tiêu chuẩn, xu hướng thế giới; từ đó kết nối các chuyên gia với các cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu chuyển đổi số.

Ngoài ra, hỗ trợ đào tạo chuyển đổi số cho các cơ sở sản xuất kinh doanh: xây dựng và tổ chức triển khai các khóa đào tạo, đặc biệt các bài giảng trực tuyến mở trên môi trường số; hỗ trợ đào tạo tại cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, chế biến (do đây là nhóm đối tượng trong lĩnh vực ưu tiên, có các nghiệp vụ chuyển đổi số phức tạp hơn các cơ sở sản xuất kinh doanh lĩnh vực khác như thương mại, dịch vụ)…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kinh phí thực hiện chương trình bao gồm kinh phí ngân sách nhà nước trung ương và địa phương (vốn chi thường xuyên) và kinh phí đóng góp, tài trợ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia chương trình. Dự thảo được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư để lấy ý kiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ chuyển đổi số nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO