Hành trình của rác – bài 4: Covid-19 làm tăng áp lực rác thải y tế

Hoàng Giang| 14/08/2020 15:39

(BVCL) Chất thải y tế nếu không được phân loại, thu gom, quản lý và xử lý tốt sẽ là nguồn lây lan bệnh tật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sức khoẻ của người dân. Đáng nói hiện nay khả năng xử lý chất thải y tế vẫn còn chênh lệch lớn với lượng rác thải ra hàng ngày, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 khiến số dụng cụ y tế phải sử dụng tăng cao.

Thực trạng nguy hiểm

Hiểu đơn giản, chất thải y tế là bất kỳ chất thải nào có chứa chất nhiễm trùng (hoặc vật liệu có khả năng truyền nhiễm). Bao gồm chất thải phát sinh từ các cơ sở y tế như văn phòng bác sĩ, bệnh viện, phòng khám nha khoa, phòng thí nghiệm, cơ sở nghiên cứu y khoa và phòng khám thú y. Có thể kể tới như thủy tinh, băng gạc, găng tay, các vật dụng sắc nhọn đã bị loại bỏ như kim hoặc dao mổ, gạc và khăn giấy.

Tổ chức Y tế Thế giới phân loại các vật dụng sắc nhọn, băng gạc, dịch tiết, và các vật liệu bị lây nhiễm là rác thải “nguy hại” còn các vật dụng không chứa chất lây nhiễm hay băng gạc động vật là “chất thải y tế nói chung”.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, có thể đưa ra một số loại rác thải y tế phổ biến. Cụ thể, Vật sắc nhọn: Loại chất thải này bao gồm bất cứ thứ gì có thể xuyên qua da, bao gồm kim, dao mổ, lưỡi dao, kính vỡ, dao cạo, ống tiêm, staples, dây điện và ống thụt.

Tái chế rác thải y tế không đúng quy định

Chất thải truyền nhiễm là bất cứ thứ gì lây nhiễm hoặc có khả năng lây nhiễm đều thuộc loại này, bao gồm băng gạc, khăn giấy, phân, dụng cụ y tế và sự nuôi cấy vi khuẩn trong phòng thí nghiệm.

Chất thải bệnh lý gồm chất lỏng, mô, máu, bộ phận cơ thể, chất lỏng của cơ thể và các xác động vật bị nhiễm bệnh thuộc loại rác thải này.

Hóa chất là các chất tẩy rửa, dung môi dùng trong phòng thí nghiệm, pin và kim loại nặng từ các thiết bị y tế như thủy ngân từ nhiệt kế bị vỡ.

Chất thải độc hại cũng là dạng chất thải y tế có tính độc hại cao gây ung thư, gây quái thai, hoặc gây đột biến. Có thể bao gồm các loại thuốc gây độc tế bào dùng cho điều trị ung thư.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, lượng chất thải rắn phát sinh tại các bệnh viện khoảng 600 tấn/ngày, trong đó khoảng 10% là chất thải y tế nguy hại, tương đương 60 tấn. Số lượng này tăng ở hầu hết các địa phương bởi cơ sở y tế, giường bệnh và việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần gia tăng.

Rác thải y tế thải ra hàng ngày

Tính riêng tại Thủ đô Hà Nội, tổng lượng chất thải y tế phát sinh trên địa bàn TP Hà Nội khoảng 27.522kg/ngày, trong đó chất thải y tế nguy hại là 8.448kg/ngày (chiếm 30%). Ước tính, đến năm 2020, tổng lượng chất thải y tế phát sinh một ngày trên địa bàn Hà Nội là 15,8 tấn/ngày, trong đó khối lượng chất thải y tế nguy hại là 3,16 tấn/ ngày. Hiện trên địa bàn TP Hà Nội có 44 cơ sở được cấp phép xử lý chất thải nguy hại đang hoạt động, trong đó có 10 cơ sở xử lý đang ký hợp đồng thu gom, xử lý chất thải y tế với các cơ sở y tế tại Hà Nội.

Đại dịch bệnh làm tăng gánh nặng

Đáng nói, thay vì được thu gom và xử lý theo quy định, không ít rác thải y tế bị đổ trộm ra khu đất trống. Mới đây nhất tháng 5/2020, hàng chục bao tải chứa rác thải y tế bị đổ trộm ra khu vực đỉnh dốc Thị, Quốc lộ 32, thuộc địa phận xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Các bao tải chứa nhiều lọ thuốc tiêm, dung dịch truyền, bơm kim tiêm… dùng trong các cơ sở y tế.

Đổ trộm rác thải y tế ra môi trường là hành vi rất nguy hiểm, bởi chất thải y tế nếu không được phân loại, thu gom, quản lý và xử lý tốt sẽ là nguồn lây lan bệnh tật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sức khoẻ của người dân.

Nghiêm trọng hơn là tình trạng thu mua rồi tái chế, tái sử dụng rác thải y tế không đúng quy định. Người dân từng kinh hãi khi giữa lòng Hà Nội, trong một bệnh viện hàng đầu quốc gia, có cơ sở mua cả máy móc về, thuê nhân công về thực hiện tái chế rác thải y tế trái quy định.

Theo đó, cơ sở này tổ chức cắt rửa dây và ống truyền dịch đỏ máu người bệnh, cắt và nghiền xilanh nhuốm máu và các mẫu bệnh phẩm có sức lây lan bệnh tật khủng khiếp. Sơ chế xong, họ bỏ vào bao tải, và xe tải của doanh nghiệp ở làng tái chế nhựa ra vào công khai “cẩu” hàng đi. Theo như nhân công đang tái chế rác thải y tế độc hại kể trên tiết lộ, thì thứ hàng kinh hãi và nguy hiểm kia đã và đang được tái chế thành ống hút, thìa nhựa, hộp sữa chua… và hàng nghìn sản phẩm quen thuộc, có sức đầu độc đông đảo người tiêu dùng.

Đổ trộm rác thải y tế

Hiện, khủng hoảng Covid-19 đã làm bùng lên cuộc chạy đua sản xuất thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) giữa các quốc gia khi chính phủ các nước nhanh chóng tăng cường dự trữ khẩu trang, găng tay, tấm che giọt bắn và áo bảo hộ. Nhiều nước khuyến khích hoặc yêu cầu công dân đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng.

Mặc dù những động thái này an toàn khi nhìn từ góc độ bảo vệ sức khỏe cộng đồng, song một thực tế không thể phủ nhận là các loại rác thải này ảnh hưởng trực tiếp đối với môi trường xung quanh.

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội – Mai Trọng Thái cho biết, duy nhất một cơ sở có địa điểm xử lý tại Hà Nội là Công ty URENCO 13 (Khu xử lý chất thải Cầu Diễn) với công suất xử lý được cấp phép là 1.600.000kg/năm, tương đương với khoảng 5 tấn/ngày (xử lý các chất thải y tế nguy hại lây nhiễm) theo công nghệ hấp chất thải y tế từ nguồn vốn viện trợ của tổ chức UNDP.

Hiện, Công nghệ đốt chất thải y tế của URENCO 13 đã xuống cấp trầm trọng và dừng hoạt động từ năm 2016, chất thải y tế lây nhiễm sau xử lý được chôn lấp trên bãi rác Nam Sơn, Sóc Sơn và URENCO 10 được cấp phép xử lý chất thải nguy hại (với công suất xử lý được cấp phép là 80 tấn/ngày, không bao gồm hầm chôn lấp bê tông hiện đã đầy). Ngoài ra, các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có địa điểm xử lý bên ngoài Hà Nội như Công ty Môi trường Thuận Thành, Công ty Môi trường Xanh, Công ty CP Xử lý chất thải công nghiệp Hòa Bình..., xử lý chất thải theo công nghệ đốt là chủ yếu.

“Đáng lo ngại, việc thu gom, vận chuyển chất thải y tế nguy hại đối với các cơ sở y tế tư nhân và một số bệnh viện nhỏ do số lượng chất thải rắn y tế nguy hại không lớn nên việc ký hợp đồng vận chuyển, xử lý rác thải với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại đã được cấp phép gặp khó khăn, giá thành vận chuyển và xử lý thường cao hơn. Vì vậy, chi phí thực hiện công tác quản lý chất thải rất lớn, dẫn đến tình trạng chỉ ký hợp đồng để hợp lệ thủ tục theo quy định hoặc dẫn đến tần suất thu gom xử lý thực tế lớn hơn 2 ngày/lần, có khi tới 7 - 10 ngày/lần” - ông Mai Trọng Thái cho biết.

Thực tế nhìn nhận, áp lực từ dịch Covid-19, cùng với đó là lượng rác thải y tế không có chiều hướng giảm đi từ các bệnh viện đang chênh lệch quá lớn với khả năng xử lý rác thải y tế đúng quy trình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành trình của rác – bài 4: Covid-19 làm tăng áp lực rác thải y tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO