Hành trình của rác – bài 2: Giải tỏa áp lực từ rác thải xây dựng

Hoàng Giáng| 04/08/2020 16:04

(BVCL) Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội đang triển khai nhiều dự án trọng điểm, khối lượng rác thải xây dựng lên đến hàng nghìn mét khối. Không ít chủ đầu tư, doanh nghiệp, hộ gia đình đã tìm mọi cách đổ trộm ra đường, khu vực đất trống, ao hồ, nơi thưa dân cư… khiến rác thải xây dựng trở thành mối nguy hại đối với môi trường.

Áp lực lớn từ rác thải xây dựng

Gạch, vữa, xi măng thải ra trong quá trình xây dựng được xếp vào loại chất thải nguy hại, khó phân hủy. Lâu nay, quản lý, xử lý rác thải xây dựng (RTXD) trên địa bàn Hà Nội vẫn luôn là vấn đề nóng.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội đang triển khai nhiều dự án trọng điểm, khối lượng RTXD lên đến hàng nghìn mét khối. Có thể kể tới dự án đầu tư mở rộng đường Vành đai 3 đoạn từ Mai Dịch - cầu Thăng Long (ước tính khối lượng phá dỡ khoảng 58.500m3); dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2 kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã tư Vọng (ước tính GPMB khoảng 2.400 hộ dân và 15 cơ quan, khối lượng chất thải rắn xây dựng khoảng 150.000m3)...

Với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, áp lực RTXD tại Hà Nội ngày càng lớn. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trung bình mỗi ngày, lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh trên địa bàn TP Hà Nội ước tính khoảng 2.500 - 3.000 tấn. Trong khi đó các bãi tập kết chung của thành phố đã gần như lấp đầy.

Khu đất nông nghiệp gần cầu vượt Song Phương, thuộc địa phận xã An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội trở thành bãi đổ phế thải

Thực tế cho thấy, để giảm chi phí xử lý RTXD, không ít chủ đầu tư, doanh nghiệp, hộ gia đình đã tìm mọi cách đổ trộm ra đường, khu vực đất trống, ao hồ, nơi thưa dân cư… Điều này đã gây ra nhiều hệ lụy như mất vệ sinh môi trường, ô nhiễm, bụi bẩn, mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị.

Hệ quả của vấn đề trên, mỗi ngày có hàng trăm, hàng nghìn lượt xe “hổ vồ” ngang nhiên chở rác thải xây dựng từ Thủ đô Hà Nội đi các vùng ven đô đổ trộm. Những đống rác to như đống núi đang trở thành gánh nặng đối với một số dự án, ruộng đồng, thậm chí cả các con sông…

Gần đây người dân khu dân cư Linh Đàm (Hà Nội) phản ánh, hàng chục xe ô tô, xe tự chế ngày đêm chở phế thải xây dựng đổ vào khu vực đất nông nghiệp phía sau đình Linh Đàm. Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt thừa nhận tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng tại khu vực sau đình Linh Đàm xảy ra nhiều năm nay.

Hành vi đổ trộm đất, phế thải xây dựng cũng diễn ra ở dọc bờ lạch sông Hồng, đoạn qua các phường: Tứ Liên, Nhật Tân, Yên Phụ, Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội).

Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều đợt ra quân xử lý tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng xuống hành lang đường bộ, hệ thống đê điều, sông ngòi, đất nông nghiệp… Tuy nhiên, vi phạm vẫn diễn ra ở nhiều nơi, ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn hạn chế.

Theo khảo sát của Viện Hỗ trợ Pháp lý và Bảo vệ môi trường, hầu khắp các tuyến phố của thủ đô đều có những đống gạch, đồ phế thải vứt vương vãi. Thậm chí có nhiều nơi thường xuất hiện những đống rác thải mới chất lên đống rác trước đó khiến đoạn đường trở nên nhếch nhác.

Tìm đường cho rác

RTXD sau khi phá dỡ thu gom không được phân loại, đa số chưa qua xử lý đã được các đơn vị đem đi san lấp dẫn đến không bảo đảm vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị. Việc san lấp không phải lúc nào cũng tuân thủ đúng quy định của pháp luật như nơi san lấp, yêu cầu về môi trường trong quá trình san lấp…

Mới đây tại Hội thảo “Quản lý chất thải rắn xây dựng hướng tới phát triển bền vững" do Viện Hỗ trợ pháp lý và bảo vệ môi trường”, các chuyên gia cho biết, các điểm trung chuyển chất thải rắn xây dựng thông thường luôn trong tình trạng quá tải và không có các biện pháp xử lý cơ bản, dẫn đến tình trạng đổ trộm dường như là điều hiển nhiên.

Tình trạng đổ trộm rác thải xây dựng tại lạch sông Hồng qua địa phận phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội

Mặc dù trong Nghị định 38/2015/NĐ-CP về Quản lý chất thải và phế liệu quy định, chất thải rắn xây dựng phải được thu gom, vận chuyển đến điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý được đầu tư xây dựng theo quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc cơ sở tái chế, công trình khác để tái chế, tái sử dụng. Nhưng, tại các thành phố lớn, điển hình ngay tại Thủ đô Hà Nội, người dân khó có thể tìm được 1 điểm tập kết loại chất thải này.

Yêu cầu đặt ra đối với cơ quan quản lý hiện nay là phải nhanh chóng tiến tới công nghệ hiện đại trong phân loại, nghiền sàng, tái chế thành vật liệu mới hoặc sử dụng chế phẩm vào công việc khác đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường. Phải giải được các bài toán cùng một lúc, bao gồm: Chi phí thấp nhất; tận dụng được nguyên liệu tái chế để thay thế các nguồn nguyên liệu khác đang cạn kiệt; góp phần xử lý tình trạng quá tải tại các bãi tập kết chất thải xây dựng; giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường, bảo vệ cảnh quan sinh thái.

Thực tế hiện nay đã có công nghệ nghiền, tái chế chất thải rắn xây dựng được nhập khẩu từ Cộng hòa Liên bang Đức, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam.

Với công nghệ này, thay vì vận chuyển những khối bê tông cũ ra các bãi tập kết phế liệu xây dựng, hệ thống này được lắp đặt ngay tại chân công trình. Các khối bê tông có kích cỡ tới 60x80cm, được chuyển sang hệ thống nghiền và tự động phân loại riêng các loại vật liệu từ sắt đến hạt cỡ 3x4cm và cát mịn.

Công nghệ cho phép tận dụng 100% chất thải từ vật liệu xây dựng. Các hạt thành phẩm cho nhiều kích cỡ. Hạt to có thể dùng làm cấp phối san nền đường, cát mịn có thể dùng để sản xuất gạch lát vỉa hè, vườn hoa, công viên, đê chắn sóng... thậm chí có thể dùng để chế tạo bê tông tươi.

Công nghệ trên đã được Công ty CP Dịch vụ sản xuất Toàn Cầu sử dụng cho việc phá dỡ 4 tòa nhà tại địa chỉ số 138 phố Giảng Võ, Hà Nội. Thiết bị có công suất từ 120 tới 250 tấn/giờ, có thể hoạt động được ở các khu vực đông dân và phù hợp với nhiều loại công trình cần phá dỡ.

Việc đưa công nghệ này vào ứng dụng tại Việt Nam sẽ giải được bài toán tận dụng được nguyên liệu cát tái chế trong bối cảnh tài nguyên cát đang cạn kiệt; ô nhiễm môi trường do quá trình vận chuyển và quá tải tại các bãi tập kết.

Theo quy hoạch xử lý chất thải rắn của Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố có 18 khu xử lý chất thải rắn, trong đó có sáu khu đang hoạt động, hai khu đã có chủ trương đóng bãi, dừng chôn lấp để trồng cây xanh, 10 khu đầu tư xây dựng mới. Thành phố phấn đấu đến năm 2022 sẽ đưa các dự án trên vào hoạt động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành trình của rác – bài 2: Giải tỏa áp lực từ rác thải xây dựng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO