Hành quân vào “mặt trận không tiếng súng” mang theo “kỷ luật thép và trái tim hồng”

Thu Trang| 24/08/2021 09:11

BVCL - Trận chiến chống giặc Covid-19 tại TP. HCM và các tỉnh phía Nam đang bước vào giai đoạn quyết liệt nhất và được ví như một trận đánh lớn. Với tâm thế “đâu có giặc là ta cứ đi”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt” và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ gấp rút lên đường tiến vào tâm dịch.

Hành quân vào “mặt trận không tiếng súng”

TP. HCM và các tỉnh phía Nam những ngày qua như “mặt trận không tiếng súng” khi biến thể Delta tiếp tục diễn biến phức tạp, cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người, gây bệnh cho hàng trăm ngàn người, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân và sự bình yên của đất nước.

anh-1(1).png
Các lực lượng lên đường vào miền Nam hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19

Với tinh thần vì miền Nam ruột thịt trong mấy ngày qua, nhiều đoàn công tác được tăng cường lên đường vào TP.HCM và các tỉnh phía Nam hỗ trợ chống dịch. Trong đó ngoài các bác sĩ, cán bộ, học viên, giảng viên, sinh viên Trường Đại học, Cao đẳng Y tế Trung ương, địa phương còn có các chiến sĩ Cục CSGT, Cảnh sát Cơ động; lực lượng quân đội, quân y... Những đoàn quân này lần lượt đi thẳng vào tâm dịch như một cuộc hành quân thần tốc với tâm thế “đâu có giặc là ta cứ đi”.

Sáng ngày 21/8, Cục CSGT đã điều 37 cán bộ, chiến sĩ CSGT vào TP.HCM làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông và phòng chống dịch. Sáng cùng ngày, Học viện Quân y tổ chức lễ xuất quân tăng cường lực lượng phòng, chống dịch Covid-19 cho TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam. Đoàn công tác có 295 thành viên, tổ chức thành 60 tổ quân y lưu động, trong đó có 113 bác sĩ, 2 cán bộ và 180 học viên năm thứ tư.

Chiều 21/8, Trường cao đẳng Y tế Bạch Mai tổ chức lễ xuất quân 1.500 giảng viên, sinh viên, học sinh của trường lên đường chi viện TP.HCM phòng chống dịch Covid-19.

2.000 cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn đoàn 5, Quân khu 7 cũng đã gấp rút lên đường hỗ trợ nhân dân TP. HCM phòng chống dịch. Lực lượng này sẽ thực hiện nhiệm vụ ở các khu vực cách ly, bệnh viện dã chiến, các trạm chốt tại thành phố.

Công an nhiều đơn vị địa phương cũng đã tăng cường nhân lực hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh phía Nam chống dịch. Ngày 22/8, tại Trụ sở Bộ Công an, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tổ chức Lễ xuất quân tăng cường cán bộ, chiến sĩ thực hiện công tác phòng, chống dịch tại TP. HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam. Các chiến sĩ thuộc nhiều lực lượng sẽ tham gia nhiều nhiệm vụ như bảo đảm an ninh, quản lý việc di chuyển của người dân, triển khai hệ thống quản lý tiêm chủng vaccine, hỗ trợ người nghèo nhận tiền trợ cấp.

anh-2.png
Các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang mang theo "kỷ luật thép và trái tim hồng" hướng về miền Nam thân yêu, chung tay phòng chống đại dịch

Ngày 22/8 Tỉnh Bình Dương vừa được Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động chi viện 250 cán bộ, chiến sĩ; trong khi đó hơn 300 cảnh sát cơ động từ Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nguyên được Bộ Công an điều động chi viện cho TP.HCM.

Tính đến tối 22/8, đã có 1.800 cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên của một số trường khối ngành Y Dược đăng ký tình nguyện vào TP. HCM. 8 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đã lên danh sách cử 450 - 500 chuyên gia, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên… vào các tỉnh phía Nam để chống dịch. Như vậy, sau 1 ngày, Bộ Y tế đã huy động được hơn 2.000 cán bộ, chuyên gia, y bác sĩ và học sinh, sinh viên tình nguyện.

Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, các cán bộ, chuyên gia, y bác sĩ và học sinh, sinh viên tình nguyện, cán bộ chiến sĩ Công an, CSGT, CSCĐ, lực lượng quân đội, đã xung phong ra tuyến đầu trong "cuộc chiến không tiếng súng", nghe theo mệnh lệnh từ trái tim, gác lại niềm riêng tiến thẳng vào tâm dịch với hành trang là kỷ luật thép và trái tim hồng.

Kỷ luật thép và trái tim hồng

Thời gian qua, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác phòng chống dịch ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên vẫn chưa vững chắc, đại dịch chưa bị đẩy lùi. Mà một trong những nguyên nhân là thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ chưa nghiêm ngặt, thực chất.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, trong lúc này, tất cả các xã phường, nhà máy, xí nghiệp tại TP. HCM và các tỉnh phía Nam phải là các pháo đài, mỗi người dân phải thực sự là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch, TP. HCM và các tỉnh phía Nam rất cần thêm “chất thép và cả trái tim hồng” để nhân thêm sức mạnh, thực hiện nghiêm ngặt hơn, thực chất hơn Chỉ thị 16, áp dụng một số biện pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.

Để thực hiện mục tiêu đó, tất cả các yếu tố từ cơ sở vật chất để điều trị, chăm sóc y tế cho người dân tại nhà, hoạt động của các tổ công tác đặc biệt, phương án cung ứng lương thực, thực phẩm đến từng gia đình, nhân lực chi viện… cần được rà soát hết các chi tiết, các khâu như trước khi bước vào “một trận đánh lớn”. Trong đó, việc tăng cường lực lượng quân đội, Công an cho TP. HCM và các tỉnh phía Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang mang theo "kỷ luật thép và trái tim hồng" hướng về miền Nam thân yêu, chung tay phòng chống đại dịch Covid-19 đồng thời gửi đi một thông điệp rằng: “Với sự tham gia của lực lượng vũ trang, tính kỷ luật, nghiêm khắc trong chống dịch được thực hiện tốt hơn và hiệu quả chống dịch cũng sẽ cao hơn”.

anh-3.jpg
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dặn dò cán bộ, chiến sĩ “chúng ta thực hiện “kỷ luật thép” để phục vụ nhân dân”

Thị sát tại TP. HCM vào ngày 23/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dặn dò cán bộ, chiến sĩ: “Chúng ta thực hiện “kỷ luật thép” để phục vụ nhân dân. Tuyệt đối không được để dịch tiếp tục dây dưa mãi trong cộng đồng. Bước vào một chiến dịch, tất cả các lực lượng, dù là Trung ương hay địa phương, vũ trang hay dân sự đều là một, đặt dưới sự chỉ huy thống nhất, tất cả để lo cho nhân dân. Những lời hứa, cam kết đó được thể hiện bằng những hành động rất cụ thể. Chúng ta phải cùng nhau quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ đã được giao”.

Với mỗi anh “Bộ đội Cụ Hồ”, với mỗi người chiến sĩ Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ,… lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm lẽ sống, từ khi có dịch đến nay đã có hàng chục ngàn cán bộ chiến sĩ Công an, quân đội không quản hy sinh gian khổ, ăn gió nằm sương, kề vai sát cánh cùng đồng đội và các lực lượng khác kiên cường trên tuyến đầu chống dịch, ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 từ những vùng biên viễn xa xôi cho tới từng khóm ấp, khu phố,… Giữa tâm dịch phức tạp, chúng ta rất cần lực lượng có kỷ luật thép và trái tim hồng.

Chúng ta có niềm tin trong giai đoạn quyết định của trận chiến khốc liệt này, sự tăng cường cán bộ, chiến sĩ quân đội, Công an với “kỷ luật thép và trái tim hồng” cùng đội ngũ thầy thuốc từ các cơ sở y tế trung ương, địa phương, sự thấu hiểu, quan tâm, sẻ chia, chung sức đồng lòng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và hơn hết là sự đồng lòng của nhân dân cả nước, người dân TPHCM và các tỉnh phía Nam sẽ được tiếp thêm sức mạnh quyết tâm hơn với một niềm tin: Chiến thắng!

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành quân vào “mặt trận không tiếng súng” mang theo “kỷ luật thép và trái tim hồng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO