Gia Lai: Người níu giữ hồn chiêng!

Trần Sỹ| 07/05/2022 18:26

BVCL - Trong tiết trời nắng nóng của những ngày hè, nghệ nhân Siu Bít vẫn miệt mài chỉnh âm thanh cho từng chiếc chiêng của mình mặc cho ve kêu inh ỏi phía hiên nhà. Với họ, chiêng là một “món ăn tinh thần” không thể thiếu của bà con Tây Nguyên, vì vậy cần phải được trân quý và lưu truyền.

nguoi-niu-giu-hon-chieng.-anh-1.jpg
Cồng chiêng là “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong cuộc sống đời thường của bà con các dân tộc Tây Nguyên

Nghệ nhân Siu Bít sinh ra và lớn lên trên vùng đất cằn ở xã Ia Ka, huyện Chư Păh. Nơi đây, tiếng cồng chiêng đã có từ bao đời nay, nó hiện hữu trong từng lễ hội từ lớn đến bé. Vì thế, cồng chiêng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mỗi dân tộc. Chính những điệu cồng chiêng uyển chuyển như “dòng sữa mẹ” nuôi dưỡng ý chí, con người nơi đây. Dường như, ai cũng vậy, từ khi mới chào đời được dăm tháng, một tuổi đều được ông bà, cha mẹ đưa đến các lễ hội để hòa mình vào vũ điệu múa xoang trên nền nhạc cồng chiêng đầy mê hoặc. Lớn thêm một tí, những cô bé uyển chuyển tập nhảy xoang còn những cậu bé tập làm quen với chiêng, cồng.

Cùng như bao chàng trai, cô gái khác trong làng, nghệ nhân Bít bị những nốt nhạc lúc trầm, lúc bổng của loại hình nhạc cụ này cuốn hút từ lúc nào không hay. Dường như, Nghệ nhân ngày càng nhận thấy, cồng chiêng như máu thịt của mình nên ngày đêm học đánh chiêng, học chỉnh chiêng từ các nghệ nhân lớp trước nhằm lưu giữ và phát huy những sự tinh túy nhất đối với loại nhạc mang đậm bản sắc dân tộc này.

Theo nghệ nhân Siu Bít, dù trên địa bàn Tây Nguyên rất nhiều người biết đánh chiêng nhưng để có thể chỉnh chiêng thì số lượng người rất hạn chế. Vì để chỉnh được một bộ chiêng, ngoài việc thẩm âm thì cần đến sự cảm nhận được vị trí chiêng lạc tiếng. Lúc này, người nghệ nhân phải đánh lại toàn bộ bộ chiêng để chỉnh lại, bằng mắt thường thì khó có thể phát hiện được. Chính vì vậy, người chỉnh phải có khiếu, phải tinh anh và đặc biệt là khéo léo, cần cù. Nếu vội vàng, hấp tấp thì sẽ không chỉnh được chiêng mà càng làm chiêng thêm lạc tiếng.

Ông Bít nhấn mạnh: “Từ đôi tai tinh tường và khả năng thẩm âm từ trong trí óc, những người nghệ nhân chỉnh chiêng nhanh chóng tìm được chiêng hư và xác định được vị trí hư để sửa lại. Bằng những dụng cụ đơn giản như một khúc gỗ để kê chiêng, dùi gỗ, búa,… người nghệ nhân đã nhanh chóng tìm lại được âm thanh cho chiêng. Có những chiếc chiêng sửa rất nhanh, chỉ hơn một giờ đồng hồ nhưng cũng có những chiếc chiêng khó, người chỉnh phải chỉnh mất nhiều ngày”.

Cùng với đó, không gian văn hóa cồng chiêng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại của thế giới, công tác bảo tồn, lưu trữ và phát triển rất được Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp quan tâm. Vậy nhưng, trước sự xâm nhập các loại nhạc của nền văn hóa hiện đại, giới trẻ ngày càng ít mặn mà hơn với nhạc cụ truyền thống. Vì vậy, những người nghệ nhân luôn tìm cách lưu giữ và truyền dạy các nét văn hóa của dân tộc cho các thế hệ trẻ để nối tiếp giữ gìn mạch nguồn văn hóa bao đời nay.

Nghệ nhân Siu Bít mong rằng, các thế hệ mai sau sẽ giữ gìn được các nét văn hóa truyền thống mà ông bà để lại từ bao đời nay. Vì vậy, ông đã tìm học nghề chỉnh chiêng và giữ nghề. Cùng với đó, ông còn vận động dân làng, các thế hệ trẻ cùng nhau chung tay giữ gìn văn hóa cồng chiêng, giữ nghề đan lát, làm nhạc cụ dân tộc và tạc tượng gỗ.

Và…người xưa thường nói, người đánh chiêng giỏi là một nghệ nhân, nhưng người vừa đánh được vừa chỉnh được chiêng lại là bậc thầy của những nghệ nhân ấy. Bởi vậy, trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện nay lưu giữ được hơn 5,6 nghìn bộ cồng chiêng, với khoảng 900 nghệ nhân giỏi. Vậy nhưng, con số biết chỉnh chiêng lại rất “khiêm tốn” với hơn 60 nghệ nhân. Nói vậy, để thấy được trình độ, kinh nghiệm và công lao của nghệ nhân Siu Bít là to, lớn như thế nào. Mong rằng, lớp thế hệ trẻ sau này, sẽ giữ gìn và phát huy được những “giá trị vô giá” của cồng, chiêng mà lớp lớp ông, cha đã dày công nghiên cứu cũng như tiếp nối lưu truyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lai: Người níu giữ hồn chiêng!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO