Ép người lao động đi làm dịp 30/4 và 1/5 có thể bị phạt tới 75 triệu đồng

Tào Đạt| 28/04/2021 06:18

BVCL - Theo quy định của pháp luật, người lao động sẽ được nghỉ và hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, nếu doanh nghiệp ép người lao động đi làm trong những ngày này có thể sẽ bị phạt tới 75 triệu đồng.

Năm nay, ngày 30/4 rơi vào thứ sáu nên người lao động sẽ được nghỉ làm trong ngày. Ngày 1/5 vào thứ bảy nên với những doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị áp dụng lịch nghỉ cố định thứ bảy, chủ nhật hàng tuần thì người lao động còn được nghỉ bù thêm ngày thứ hai.

Do đó, trong dịp lễ sắp tới, nhiều người lao động sẽ được nghỉ 4 ngày liên tiếp, từ ngày 30/4 đến hết 3/5.

1.jpg
Ảnh minh họa

Vậy nếu đồng ý đi làm trong dịp này, người lao động được hưởng mức lương bao nhiêu? Trường hợp doanh nghiệp ép người lao động đi làm trong những ngày này mà không được sự đồng ý của họ sẽ bị xử lý ra sao?

Theo Luật sư Nguyễn Đức Hoàn, Công ty luật HOK, Đoàn luật sư TP. Hà Nội, căn cứ khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương vào ngày lễ, tết, trong đó có ngày 30/4 và 1/5.

Mặt khác, tại khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ ba điều kiện.

Thứ nhất, công ty có thể huy động người lao động làm việc vào các ngày nghỉ lễ, tết nhưng phải được sự đồng ý của người lao động.

Thứ hai, bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 40 giờ trong 1 tháng.

Thứ ba, bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 107 Bộ luật lao động 2019.

Khi sử dụng người lao động làm việc vào các ngày nghỉ lễ, người sử dụng lao động có trách nhiệm trả lương (tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm) cho người lao động ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày (điểm c khoản 1 Điều 98 Bộ luật Lao động 2019).

Luật sư Hoàn nhấn mạnh, nghỉ lễ là một trong những quyền lợi chính đáng của người lao động được pháp luật ghi nhận và bảo vệ.

Trường hợp doanh nghiệp ép người lao động đi làm mà không được sự đồng ý của họ sẽ bị coi là vi phạm pháp luật và bị xử lý theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Nghị định 28/2020/NĐ-CP.

Theo đó, phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ quy định hoặc quá 12 giờ trong 1 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần theo một trong các mức.

Cụ thể, từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng với vi phạm từ 1 người đến 10 người lao động; từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động; từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động; từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động; từ 60 triệu đồng đến 75 triệu đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên”.

Như vậy, người lao động nếu nhận thấy bị ép buộc làm thêm giờ mà không nhận được sự đồng ý thì được khiếu nại đến ban giám đốc công ty để giải quyết. Nếu không, người lao động có thể nhờ đến sự can thiệp của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ép người lao động đi làm dịp 30/4 và 1/5 có thể bị phạt tới 75 triệu đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO