b4-titphu-tran.jpg

Đối mặt với “giặc dịch” một loại virut vô hình nhỏ bé nhưng làm cả thế giới khiếp sợ nếu nói Bắc Giang không nao núng là không đúng, nhưng phải công nhận chặng đường đã qua, chính quyền và nhân dân Bắc Giang đã rất bình tĩnh, sáng tạo, quyết liệt và đồng lòng. Nhờ vậy mà giờ đây Bắc Giang đang khôi phục sản xuất để tăng trưởng mạnh mẽ hơn sau những ngày dồn lực chống dịch.

Ngay từ những ngày đầu dịch tấn công bất ngờ vào các khu công nghiệp, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã rất bình tĩnh, tổ chức nhiều cuộc họp khẩn, xuyên đêm với các doanh nghiệp trên địa bàn tìm giải pháp tháo gỡ. Những ngày đó, lãnh đạo Bắc Giang có mặt tại điểm nóng trong tâm dịch chỉ đạo sát sao cùng doanh nghiệp, người dân chống dịch nhiều hơn ngồi trong phòng làm việc. Dưới sự chỉ đạo, đồng hành của Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, Bộ Y tế,… những chỉ đạo, hành động của Bắc Giang đều rất kịp thời, chính xác và thể hiện sự bình tĩnh của đội ngũ cán bộ, sự đồng lòng của người nhân và doanh nghiệp.

cover-copy-crop-1623722433527.jpeg

Trước tiên phải kể đến việc Bắc Giang biến mỗi doanh nghiệp thành một pháo đài và mỗi công nhân, người lao động là một chiến sĩ khi UBND tỉnh quyết định phong tỏa 4 khu công nghiệp, chấp nhận thiệt hại rất lớn với giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 600 tỷ đồng mỗi ngày. Tạm dừng hoạt động các khu công nghiệp là một quyết định hết sức khó khăn đối với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang. Sau khi phân tích, đánh giá và xác định các phương án, tính hiệu quả để lựa chọn, Bắc Giang đã quyết định tạm dừng các khu công nghiệp, giữ chân số công nhân hơn 60.000 người, đến từ 61/63 tỉnh, thành phố trên cả nước ở lại tránh làm lây lan dịch ra cả nước.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái chia sẻ: “Quyết định tạm dừng hoạt động các khu công nghiệp là tính toán khó khăn, thì quyết định dừng và giữ 60.000 công nhận tỉnh ngoài ở lại thực sự là "cân não", chúng tôi đã chọn phương án chấp nhận rủi ro, chấp nhận vất vả, với quan điểm "Bắc Giang phải vì cả nước". Và cho đến giờ, tôi vẫn thấy đó là quyết định đúng đắn”.  

unnamed.jpg
Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covd-19

“Ra quyết định đối với tôi thời điểm đó vô cùng khó khăn. Ban lãnh đạo tỉnh đã “vắt óc” để suy nghĩ, bàn thảo. Đến bây giờ thì quyết định đó cho thấy sự đúng đắn, kịp thời để chống dịch hiệu quả, bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân; khoanh vùng chặn dịch tại địa phương, giữ an toàn cho cả nước”. 

Ngay sau quyết định “cân não” dừng hoạt động 4 khu công nghiệp vào ngày 18/5 để nhanh chóng cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Tất cả các công nhân đều phải ở lại trong khu công nghiệp và Bắc Giang đã biến mỗi doanh nghiệp trở thành một pháo đài, trong đó người lao động cùng với lãnh đạo các doanh nghiệp trở thành những chiến sĩ, song hành cùng lực lượng chức năng chống lại Covid-19.

Để giúp doanh nghiệp và người lao động an tâm ở lại trong các khu công nghiệp chống dịch, ngoài hỗ trợ đầy đủ vật chất, tinh thần, đảm bảo an toàn chống dịch, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang còn thường xuyên “3 cùng” với người lao động, doanh nghiệp để gia tăng “sĩ khí” giúp họ an lòng sát cánh cùng địa phương.

Không khó để bắt gặp lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, ăn cùng, ở cùng, chống dịch cùng với những người lao động trong khu công nghiệp. Chính điều này đã khiến họ an tâm, dù phải cách ly, không có việc làm, không có thu nhập nhưng ai nấy cũng đồng lòng, can tâm tình nguyện cùng chính quyền chống lại đại dịch.

photo-collage-15-.png

Cùng với việc đóng cửa các khu công nghiệp, Bắc Giang đã nhanh chóng khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm, cho tất cả các công nhân trong các khu công nghiệp. Công tác truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng dập dịch được thực hiện “nhanh như chớp” dưới áp lực địch bủa vây và cái nắng nóng gay gắt của ngày hè.

Không đếm hết được những “chiến sĩ áo trắng” đã ngất lịm đi vì mệt, hay hình ảnh họ mệt mỏi nằm thiếp đi ngay dưới sàn đất,… Những bữa cơm vội, giấc ngủ không tròn, da phồng rộp từng mảng vì mặc đồ bảo hộ qúa lâu… đã trở thành điều “bình thường” trong những ngày cả hệ thống chính trị, nhân dân và các lực lượng chi viện tại đây quyết liệt chiến đấu giành lại sự bình yên cho Bắc Giang.

photo-collage-10-(1).png

Tiếp đó, cùng với triển khai công tác dập dịch, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các doanh nghiệp nghiên cứu giải pháp phòng chống dịch, thiết lập lại mô hình, phương thức sản xuất trong điều kiện mới với tinh thần “chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch”. Để giúp các doanh nghiệp, UBND tỉnh Bắc Giang thành lập 35 tổ kiểm tra, hướng dẫn điều kiện an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong sản xuất nhằm đánh giá nguy cơ lây nhiễm, từ đó có phương án tổ chức lại hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong điều kiện địa bàn có dịch Covid-19.

Với sự vào cuộc đồng bộ của cả cấp ủy, chính quyền địa phương và doanh nghiệp, hai tuần kể từ ngày phong tỏa, sau khi đánh giá mức độ an toàn, tỉnh đã cho phép 35 doanh nghiệp quay lại sản xuất vào ngày 1/6. Hàng trăm doanh nghiệp có dịch ở mức độ trung bình cũng được tổ chức sản xuất ở mức độ hai tại các khu vực, dây chuyền đã được kiểm tra bảo đảm an toàn.

Ngày 21/6, trên cơ sở kết quả công tác phòng chống dịch đã đạt được, nguy cơ lây nhiễm dịch giảm, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành kế hoạch tổ chức lại hoạt động sản xuất cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

photo-collage-16-.png

Các doanh nghiệp bố trí nơi ăn ở cho người lao động ngay trong doanh nghiệp, tách biệt với bên ngoài; chia tách, phân nhóm người lao động theo phương châm “4 cùng”: Người lao động cùng làm việc tại một bộ phận sẽ được bố trí cùng ăn, cùng ở với nhau; khi di chuyển thì cùng đi chung một xe. Bố trí vách ngăn vật lý tạo sự tách biệt, khoảng cách giữa các bộ phận, khu vực sản xuất để nếu phát hiện ca nhiễm Covid-19 có thể nhanh chóng khoanh vùng cách ly bộ phận, khu vực đó. Thực hiện thiết lập vùng cách ly y tế ngay trong doanh nghiệp, thiết lập nhiều phòng tuyến cách ly từ khu vực, bộ phận có nguy cơ nhiễm dịch, doanh nghiệp có bộ phận nguy cơ nhiễm dịch đến quy mô khu công nghiệp có doanh nghiệp nguy cơ nhiễm dịch Covid-19.

Tỉnh Bắc Giang cũng đã xây dựng và triển khai hiệu quả phương án hỗ trợ doanh nghiệp trong các khu công nghiệp khôi phục sản xuất với các nội dung, giải pháp thiết thực.

Nhờ sự quyết liệt trong chỉ đạo, sáng tạo trong cách làm, đồng tâm hiệp lực trong thực hiện mà giặc dịch tại các khu công nghiệp trên địa bàn Bắc Giang dần được khống chế, người lao động có thể trở lại làm việc “trong tình hình mới” đảm bảo chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch.

b4-titphu-tran2.jpg

Không chỉ bình tĩnh, quyết liệt dập dịch trong khu công nghiệp để ổn định sản xuất, Bắc Giang những ngày chống dịch còn thể hiện ý chí, nghị lực vượt “bão Covid-19” khi đưa người nông dân vượt qua khó khăn của đại dịch có được mùa vụ “bội thu”.

duong-van-thai-pc39-1623024241619589776528.jpg

Trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, tỉnh Bắc Giang vẫn tiêu thụ hết 215.000 tấn vải thiều (tăng 50.000 tấn so với kế hoạch) và thu về 6.821 tỉ đồng. Cứ nghĩ rằng trước khó khăn của đại dịch, Bắc Giang lo chống dịch thì người nông dân sẽ phải tự mình xoay sở trong khó khăn. Nhưng không, dù lo chống dịch nhưng lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành địa phương vẫn có sự phối hợp rất hiệu quả với Trung ương, các bộ ngành như Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao, Bộ GTVT, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an… để đảm bảo tìm được hướng đi đúng đắn cho đặc sản quê nhà.

Theo lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, mùa vải thiều năm nay được đánh giá có chất lượng tốt nhất và có sản lượng lớn nhất trong những năm gần đây nhưng lại diễn ra trong bối cảnh "làn sóng" Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, trong đó Bắc Giang là tâm dịch lớn nhất của cả nước, đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ vải thiều.

Song tỉnh Bắc Giang cùng các bộ, ngành, các doanh nghiệp và người dân đã chủ động xúc tiến thương mại, điều hành linh hoạt cả 3 kịch bản, phương án tiêu thụ vải thiều trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành trong suốt thời gian thu hoạch. Vì vậy, tỉnh Bắc Giang vẫn tiêu thụ hết 215.000 tấn vải thiều và thu về 6.821 tỉ đồng. Dù đối đầu với đại dịch nhưng giá vải thiều vẫn luôn được duy trì ổn định từ đầu đến cuối vụ.

duong-van-thai-pc28-1623024241307408801657.jpg

Không chỉ thành công tại thị trường trong nước, vải thiều năm nay được người tiêu dùng tại các thị trường khó tính trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Bỉ, Pháp, Đức và một số nước EU, khu vực Trung Đông và tại Trung Quốc, một số nước Đông Nam Á đánh giá cao về chất lượng và được đón nhận. Đây là thành công rất lớn của Bắc Giang, cho thấy dù trong khó khăn, nhưng Bắc Giang vẫn giữ được sự tự tin, bình tĩnh để vượt qua đại dịch.

Có được thành công này, cũng phải nhờ quyết tâm từ người dân địa phương giữ vùng vải sạch, chất lượng cao đến sự chung tay hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương; các tỉnh, thành phố cũng như nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân cả nước.

Trong đó, tỉnh Bắc Giang đã chủ động, quyết liệt, sáng tạo với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Bạn không khó để nhìn thấy hình ảnh những người chiến sĩ Công an, Cảnh sát, Bộ đội… đang cùng nông dân thu hoạch vải, hoa màu,… Hay chính những người dân vùng dịch đã chủ động hỗ trợ giúp đỡ nhau thu hoạch vải. Nhà nào vải chín nhiều chín trước thì người dân xung quanh hỗ trợ thu hoạch trước, rồi đến nhà tiếp theo… Sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, nhân dân địa phương đã giúp nông sản không bị “bỏ quên” dù đang phải căng mình chống dịch.

photo-collage-17-.png

Đặc biệt phải kể đến sự sáng suốt và quyết liệt trong chỉ đạo, tìm hướng đi của lãnh đạo, các cấp, các ngành địa phương. Tỉnh Bắc Giang đã chủ động, tập trung nguồn lực cho hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đa dạng hóa các kênh phân phối, tạo thị trường vững chắc cho sản phẩm vải thiều. Đặc biệt, tỉnh chú trọng đến thị trường nội địa với gần 100 triệu dân. Từ đó Bắc Giang đã đưa nông dân vượt qua “bão Covid-19” để có mùa vụ vải “bội thu”.

Ngoài vải thiều, những mặt hàng nông sản khác như lúa, dưa, rau củ… đều được thu hoạch đúng thời vụ và tiêu thụ tốt, đảm bảo đời sống cho người nông dân và tăng sức mạnh “nội sinh” để dồn lực chống lại dịch bệnh Covid-19.

Nhờ sự hỗ trợ, chi viện nhân lực, vật lực của Trung ương, các bộ ban ngành và sự nỗ lực không biết mệt mỏi của lãnh đạo, các cấp các ngành, doanh nghiệp, nhân dân tại địa phương mà Bắc Giang đã bình tĩnh, sáng tạo, quyết liệt, đồng lòng thực hiện hiệu quả mục tiêu chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch.

Sau những gì đã trải qua, Bắc Giang hoàn toàn có thể tự hào khi trở thành điểm sáng không chỉ trong thực hiện “mục tiêu kép” mà còn mang lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác phòng chống dịch để nhiều địa phương khác vận dụng trong cuộc chiến đường trường với đại dịch.

chong-dich-bg-hinhcuoi.jpg

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

Trong bài có sử dụng hình ảnh tư liệu của đồng nghiệp

Thu Trang

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
E-magazine (Bài cuối): Bình tĩnh, sáng tạo, quyết liệt, đồng lòng thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO