Duyên nghề và những chuyện ghi ở phiên tòa…

Trang Trần| 21/06/2022 19:24

BVCL - Người đời thường nói với nhau rằng, mọi sự gặp gỡ, mọi sự trùng phùng, mọi sự “dừng chân” ở đời… xuất hiện có thể khác nhau nhưng tất cả đều bởi chữ duyên mà hiện hữu. Cá nhân tôi rất tin vào chữ duyên, đặc biệt với nghề nghiệp hiện tại, với tôi đó là hữu duyên!

6613c33f3774f42aad65.jpg
Ảnh minh hoạ

1. Trước khi về với Báo Công lý, tôi có thời gian gần 10 năm công tác tại Báo Công an TP Đà Nẵng (nay là Chuyên trang của Báo Công an nhân dân). Ngần ấy thời gian làm việc trong môi trường “người công an làm báo” thực sự đã cho tôi có được những gì mà một phóng viên cần có trong hành trang để trở thành một nhà báo chân chính.

Những va vấp đầu đời đôi khi khiến tôi muốn dừng lại, muốn bỏ cuộc, nhưng rồi sự chỉ dạy, lời động viên kịp thời của lãnh đạo đơn vị, những anh chị đi trước lại một lần nữa nhóm lên ngọn lửa yêu nghề trong tôi. Và tôi đã thành công. Vào thời điểm đó, thành công đối với tôi không phải là điều gì quá to lớn, đơn giản chỉ là tin, bài “chạy” đều, các công việc sếp giao đều hoàn thành tốt. Từ một phóng viên thời sự (thuộc Ban Phóng viên) tôi được luân chuyển sang Ban Pháp luật Bạn đọc và Công tác xã hội từ thiện. Chỉ giống nhau ở mỗi việc, vẫn là một phóng viên thực hiện tin, bài… còn lại tất cả đều là mới mẻ. Tiếp bạn đọc, tiếp nhận đơn thư, giải quyết đơn thư, khiếu nại, soạn thảo văn bản, kế hoạch, thông báo, báo cáo, kêu gọi từ thiện, tiếp nhận và trao từ thiện… Ở một ban được coi là “nghèo người” nhất cơ quan nhưng “việc không tên” lại vô số kể như vậy, tôi cũng bắt đầu từ vụng về, rụt rè, chậm chạp… rồi thành quen.

Không giấu dốt, luôn cầu thị lắng nghe, thẳng thắn nêu quan điểm của mình cho dù có lúc “căng thẳng” nhưng tôi vẫn luôn giữ vững lập trường khi biết điều mình làm là đúng. Có những “viên gạch” đầu đời vững chắc như vậy cho nên khi tôi có quyết định thay đổi môi trường làm việc, tôi cũng mạnh dạn rất nhiều.

2.Tôi may mắn được Báo Công lý thu nhận, cho tôi được vùng vẫy đúng với sở trường, thế mạnh của mình. Lúc ở đơn vị cũ, tôi cũng được phân công theo dõi mảng Tòa án, qua đơn vị mới lại là “báo Tòa”… cho nên, tôi không phải mất thời gian để làm quen các đơn vị Tòa án trên địa bàn. Tôi một lần nữa may mắn được Tổng Biên tập phân công viết mảng Ký sự pháp đình đăng trên Chuyên trang Công lý & Xã hội. Chẳng khác gì “cá gặp nước”, tôi có dịp để sống với mọi cung bậc cảm xúc của mình cùng những nhân vật mà mình có cơ hội gặp.

Tôi vốn sống nội tâm nên dễ đồng cảm với mỗi nhân vật, mỗi hoàn cảnh sống trong từng câu chuyện. Mỗi số phận, mỗi hoàn cảnh mà tôi chứng kiến… đều chạm vào trái tim của mình. Khi tôi thấy mình ở vị trí của người vợ trong một phiên tòa ly hôn, vị trí những đứa con đang phải giằng xé giữa ở với cha hay sống với mẹ. Khi tôi lại thấy mình ở một người mẹ mất con, người vợ mất chồng, có khi lại chính là người chồng, người cha hay người con đầy tội lỗi… Cảm bằng cảm xúc của người trong cuộc, viết ra nội tâm giằng xé của người trong cuộc, có lẽ chính điều đó đã chạm vào trái tim người đọc mà tôi có thể làm được cho đến thời điểm này.

Tôi còn nhớ, lần đầu tiên dự một phiên tòa, viết về nhân vật trong phiên tòa đó tôi đã khóc sướt mướt. Tôi không thể giải thích được nguồn cơn nhưng khi chứng kiến cảnh ấy tôi không thể kiềm lòng, đến khi từng con chữ nhảy lên trên máy tính cũng là lúc một lần nữa mắt tôi nhòa đi. Bài viết lần ấy đã lấy đi nước mắt của không ít người đọc, tôi tự nhận đó là thành công bước đầu đánh dấu cái duyên tôi đến với Ký sự pháp đình. Ở Ký sự pháp đình tôi thực sự có nhiều điều kiện để sống hết mình với mỗi hoàn cảnh nhân vật, với mỗi bài viết khi đến với bạn đọc hơn.

3.Với tôi, tất cả đó là duyên. Duyên cho tôi dừng lại với điều bản thân có thể cảm nhận được, đó có thể là điều hạnh phúc nhưng cũng có thể đó là nỗi đau tận cùng của mỗi số phận con người khác nhau ở mỗi hoàn cảnh khác nhau mà tôi được chứng kiến. Mỗi phiên tòa, mỗi cảnh nhà, cảnh người là một câu chuyện được đặt xuống chốn trần gian, có giống nhau, có khác nhau nhưng chung quy lại nó chính là những mảnh ghép đủ sắc màu trong một bức tranh tổng thể. Điều còn lại, đó là góc nhìn, cách nhìn, cách đánh giá, cách cảm thụ của mỗi người đối với nó sẽ cho ra những kết quả khác nhau ra sao mà thôi.

Hai đứa trẻ nhường nhau con búp bê, đứng vân vê nơi hành lang phòng xử án. Thỉnh thoảng câu nói thỏ thẻ “chị rất nhớ em, cũng rất nhớ mẹ/ em cũng vậy” lại hắt vào tai người nghe đầy xót xa. Rồi hình ảnh hai đứa trẻ bị “chia đôi”, mỗi đứa mỗi hướng đi nhưng đầu vẫn ngoái lại nhìn nhau với cái nhìn bịn rịn, tiếc nuối, không nỡ rời… cùng lời nói vọng lại “đừng khóc, chị sẽ về thăm em”. Chị sẽ về/ bao giờ chị sẽ về… liệu chị có… “sẽ về” khi mà ba và mẹ chia tay nhưng lòng hận thù nhau chồng chất. Người lớn luôn có những lý do để cho rằng quyết định của mình là đúng, nhưng trong số những lý do ấy có bao giờ nghĩ đến những tổn thương bởi cuộc ly hôn này có thể sẽ trở thành vết thương kéo dài ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển của con hay không. Con đường “sẽ trở về” có lẽ sẽ trở nên chông chênh, xa ngái hơn khi những người trong cuộc không hiểu tiếng lòng của con trẻ.

Người phụ nữ ôm mặt khóc rưng rức, bên cạnh một đứa trẻ lớn tuổi nhưng ngây ngô, khờ khạo, tay chân bị rút lại co quắp đáng thương nhìn bà với đôi mắt dại. Người đàn ông đứng trên bục khai báo là con trai bà, là cha của đứa trẻ kém may mắn kia. Vì hận người vợ phụ bạc để lại con thơ, đi theo nhân tình, vì cho rằng mình là kẻ mà “cuộc đời bỏ đi, mọi người ngoảnh mặt” mà người đàn ông ấy sống buông thả cho nên giờ phải đứng đó chịu sự trừng phạt của pháp luật.

Anh ta có thể kém may mắn, anh ta cho mình cái quyền sống buông thả vậy ai cho hai bà cháu bất hạnh này có quyền lựa chọn. Bà cũng vì nghèo khó nên “tự túc” mà có anh ta với ý nghĩ về già có nơi nương tựa. Giờ thì sao? Bà đã ở tuổi bên kia con dốc, chỉ mành treo chuông nhưng phải đi nhặt ve chai nuôi đứa cháu tật nguyền và ngày ngày ngóng chờ đứa con trai tù tội.

Hình ảnh bà già lụm khụm, lật đật kéo thằng nhỏ tay chân không lành lặn với theo chiếc xe chở phạm. Hình ảnh cha mẹ cô gái xấu số ôm chặt tấm di ảnh trước ngực gào khóc thảm thiết khi nghe lời khai của hung thủ sát hai con mình. Hình ảnh mẹ bị cáo quỳ sụp xuống chân gia đình bị hại nói lời xin lỗi vì “con dại cái mang”. Hình ảnh vợ con ngã quỵ khi nghe HĐXX tuyên chồng, cha mình án tử… là những thước phim buồn nhưng đáng tiếc nó lại tồn tại nhiều trong xã hội hiện nay.

4.Là một nhà báo gắn với mảng Tòa, nơi được coi là hội tụ của mọi khổ đau, là nơi mà đâu đâu cũng nghe đến hai từ “tù tội”, tôi rất sợ. Sợ theo thời gian, sợ có tuổi, sợ sự nhàm chán khiến cho cảm xúc của mình chững lại, khô cằn, chai lì. Người viết ký sự, cần lắm những cảm xúc tận đáy lòng, cần lắm những ngôn từ “đắt đỏ” để có thể đặc tả nội tâm, ngoại hình, tính cách của nhân vật. Có người nói “viết ký sự dễ như viết bài văn miêu tả”, bản thân tôi không cho là vậy.

Viết ký sự phải có gì đó lạ, khác người, có cái nhìn và phân tích ở một góc độ không giống ai nó mới ra vấn đề. Mỗi tác phẩm đến với bạn đọc phải mang tính nhân văn, phải đứng về lẽ phải, đứng về công lý, hướng người đọc đến giá trị đạo đức trong xã hội. Cho nên, ký sự có sự mềm dẻo mượt mà nhưng lại không làm mất đi tính cứng rắn nghiêm minh mà pháp luật muốn hướng đến đó mới là cái khó buộc những người gắn bó với ký sự như tôi không ngừng trau dồi, học hỏi.

Mỗi năm đến ngày 21/6 - ngày của những người làm báo, tôi lại miên man với những kỷ niệm làm nghề trong quá khứ. Có vui, có buồn, sự va vấp, cọ dũa ở môi trường công tác cũ, sự “chấp cánh”, “đẩy thuyền” ở đơn vị công tác hiện tại đã giúp tôi trưởng thành như ngày hôm nay. Duyên cho tôi đến với nghề, duyên cho tôi dừng lại với bến đỗ mới - Báo Công lý và tôi lại tham lam mong rằng cho tôi duyên dài với nguồn cảm xúc để gắn bó với Ký sự pháp đình .

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Duyên nghề và những chuyện ghi ở phiên tòa…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO