Dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18: Cần làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan

PV| 11/12/2020 07:00

BVCL - Như Báo Công lý đã phản ánh, Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đi vào vận hành và khai thác thu phí được gần 3 năm nhưng các nhà thầu vẫn ‘mòn mỏi” chờ thu hồi vốn. Bộ GTVT và Nhà đầu tư cho rằng vì Dự án chậm đưa vào thu phí, sụt giảm doanh thu thu phí nên ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn.

unnamed-1-.jpg
Hình ảnh minh họa (nguồn internet)

Đề làm rõ những hơn những vấn đề đã nêu, Phóng viên Báo Công lý đã liên hệ làm việc với Nhà đầu tư và Bộ Giao thông vận tải là Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng dự án với Nhà đầu tư, Doanh nghiệp để thực hiện dự án.

“Nhập nhằng” nguồn vốn đầu tư

Theo ông Nguyễn Trí Đức, Chánh Văn phòng Bộ GTVT, Dự án cải tạo, nâng cấp QL18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí được thực hiện theo hình thức Hợp đồng BOT (Km20 - Km77) được Bộ GTVT quyết định đầu tư có quy mô, mở rộng đủ 4 làn xe với nền tối thiểu =15,0m. Dự án có tổng mức đầu tư: 2.905,07 tỷ đồng.

Nhà đầu tư của dự án là Công ty Cổ phần Phát triển Đại Dương và Doanh nghiệp dự án là Công ty Cổ phần BOT Phả Lại (Chủ đầu tư). Dự án được triển khai từ ngày 31/3/2015, hoàn thành nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng tháng 7/2018.

Việc chậm giải ngân cho các nhà thầu là do Dự án chậm đưa vào thu phí và sụt giảm doanh thu thu phí dẫn đến khó khăn trong công tác hoàn vốn đầu tư nên Ngân hàng cung cấp tín dụng phải tạm dừng giải ngân, báo cáo Ngân hàng Nhà nước xem xét, tìm biện pháp tháo gỡ, ông Đức thông tin thêm.

Cũng trong nội dung làm việc với Bộ GTVT, khi được hỏi Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án và đơn vị cam kết vốn cho dự án liệu có đủ năng lực và giá trị pháp lý để thực hiện dự án hay không? Bộ GTVT cho biết, theo quy định của pháp luật Công ty Cổ phần BOT Phả Lại là Doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư thành lập để thực hiện dự án, Bộ GTVT đã ký hợp đồng với Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án triển khai đầu tư dự án theo đúng quy định pháp luật (dự án đã được Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước thực hiện), Dự án đã hoàn thành và nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 7 năm 2018.

Bên cạnh đó, tại Khoản 1. Điều 11 Thông tư số 166/2011/TT-BTC ngày 17/11/2011 của Bộ Tài chính quy định “Để thực hiện dự án, ngoài nguồn vốn chủ sở hữu theo quy định tại Nghị định số 108/2009/NĐ-CP của Chính phủ, Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án được huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện hợp đồng. Đây là các nguồn vốn huy động của Nhà đầu tư để thực hiện dự án tính đến thời điểm đàm phán hợp đồng đã được Nhà đầu tư và các nhà cung cấp vốn cam kết hoặc thỏa thuận bằng văn bản”. Tại thời điểm Bộ GTVT đàm phán hợp đồng dự án, Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam cam kết vốn vay cho dự án, không phải Vietinbank, Bộ GTVT cho biết thêm.

Liên quan đến đơn vị cam kết vốn thực hiện dự án, để rộng đường dư luận phóng viên cũng đã liên hệ làm việc với Nhà đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Phát triển Đại Dương. Tại đây, đại diện Nhà đầu tư ông Nguyễn Kiếm Anh cho biết: “Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) là đơn vị tài trợ chính, một mình Ngân hàng ấy tài trợ dự án, Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) không có liên quan. VietinBank là Ngân hàng lớn nên không cần các đơn vị khác tài trợ”.

Khi PV đặt vấn đề vì sao lại có thông tin khác nhau giữa Nhà đầu tư và Bộ GTVT về đơn vị cam kết vốn cho dự án thì ông Anh cho rằng: “Đúng là ban đầu đơn vị cam kết tài trợ dự án là Ngân hàng BIDV, đơn vị này có hứa tài trợ nhưng sau quá trình thẩm tra và thấy có một số rủi ro nên đã từ chối tài trợ. Khi biết việc đó chúng tôi đã liên hệ với Ngân hàng VietinBank, sau đó đơn vị này đồng ý tài trợ cho vay. Việc thỏa thuận cam kết vốn giữa Nhà đầu tư và VietinBank không liên quan gì đến Bộ GTVT”.

Hiện nay, Công ty Cổ phần Phát triển Đại Dương đang phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Vietinbank trong việc giải ngân để thanh toán cho các Nhà thầu đầy đủ hồ sơ trong thời gian tới, ông Nguyễn Kiếm Anh cho biết thêm.

Như vậy, tính đến thời điểm Bộ GTVT đàm phán ký hợp đồng với Nhà đầu tư thì Ngân hàng BIDV mới là đơn vị cam kết vốn vay cho dự án, còn nguồn vốn từ Ngân hàng VietinBank được huy động sau thời điểm ký hợp đồng.

Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi, trong hồ sơ gửi Bộ GTVT và các cơ quan liên quan để thẩm định, phê duyệt, đánh giá lựa chọn nhà đầu tư có đúng quy định? Có hay không hành vi vi phạm về gian lận trong đấu thầu? Liệu đây có phải nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ trong việc giải ngân vốn cho các Nhà thầu thi công?

bot-quoc-lo-18.jpg
Trạm thu phí BOT Phả Lại hoạt động từ năm 2018

Chưa thể cung cấp thông tin cho Báo chí

Bên cạnh đó, để làm rõ hơn những vấn đề bạn đọc phản ánh, trong quá trình làm việc PV đã đề nghị Bộ GTVT cung cấp tài liệu liên quan, tuy nhiên Bộ này cho rằng “do tài liệu liên quan đến lựa chọn nhà đầu tư có chứa đựng các thông tin riêng của doanh nghiệp như năng lực, kinh nghiệm, cơ cấu tổ chức, bộ máy nhân sự… Trường hợp cung cấp hồ sơ như đề nghị của Quý Tòa soạn cần có sự chấp thuận của nhà đầu tư”.

Sau đó, tại buổi làm việc với Nhà đầu tư dự án, PV cũng đã đề nghị được cung cấp tài liệu liên quan đến Dự án nhưng đại diện đơn vị này cũng từ chối chưa cung cấp và yêu cầu PV lên hỏi Bộ GTVT và các đơn vị liên quan khác.

Dự án đã hoàn thành (sau quá trình lựa chọn nhà thầu) và bàn giao đưa vào sử dụng gần 3 năm. Không hiểu vì lý do gì khiến cả Bộ GTVT và Nhà đầu tư từ chối cung cấp thông tin Báo chí, khi PV đề nghị tại thời điểm làm việc?

Mặc dù trước đó, tại văn bản trả lời Báo Công lý, đại diện Bộ GTVT đã viện dẫn rất rõ: “Theo quy định tại khoản 6 và khoản 12 Điều 74 Luật Đấu thầu, chủ đầu tư có trách nhiệm bảo mật các tài liệu liên quan trong quá trình lựa chọn nhà thầu và cung cấp thông tin, tài liệu liên quan và giải trình việc thực hiện các quy định theo yêu cầu của người có thẩm quyền, cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động đấu thầu”.

Thiết nghĩ, việc lựa chọn Nhà đầu tư là rất quan trọng trong một dự án BOT, nhất là về năng lực tài chính của Nhà đầu tư thực hiện dự án. Để đảm bảo sau khi dự án đã hoàn thành thì các bên phải tiến hành nghiệm thu, thanh toán theo các hợp đồng đã ký kết, không thể vì những lý do không liên quan (Dự án chậm đưa vào thu phí, sụt giảm doanh thu thu phí) để Nhà đầu tư chậm thanh toán cho các Nhà thầu thi công như ở Dự án cải tạo, nâng cấp QL18 này.

Báo Công lý đề nghị Bộ GTVT và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ hơn nữa để làm rõ và giải quyết những vấn đề còn tồn tại, nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18: Cần làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO