Doanh nghiệp thiệt hại do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh cấp đổi Giấy CNĐKDN trái quy định

Lê Nam| 16/03/2022 17:21

BVCL - Cho rằng, lãnh đạo Sở KH&ĐT tỉnh Hà Tĩnh có dấu hiệu tiêu cực, cấp đổi Giấy CNĐKDN lần 02 cho Công ty Việt – Séc trái quy định pháp luật, gây thiệt hại nặng nề cho cổ đông. Do đó, Công ty Đức Huy, một cổ đông sáng lập đã có đơn yêu bồi thường thiệt hại.

Theo nội dung phản ánh, Công ty Cổ phần Hợp tác kinh tế Việt – Séc (Công ty Việt – Séc) thành lập năm 2008, gồm 3 thành viên sáng lập: Công ty TNHH Senzako Prerov CH Séc (Công ty Sezako), chiếm 60% cổ phần ; Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại Đức Huy (Công ty Đức Huy) chiếm 30%; Công ty TNHH Như Nam (Công ty Như Nam) chiếm 10% còn lại.

Về cơ cấu lãnh đạo, ông Jan Svreck giữ chức Chủ tịch HĐQT, ông Phan Công Hiền chức vụ Giám đốc, đại diện theo pháp luật của công ty. Doanh nghiệp này được thành lập với mục đích đầu tư khai thác, chế biến đá tại mỏ đá Cổng Khánh (T.x Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh).

h1-duc-huy(1).jpg
Kết luận nội dung tố cáo đối với Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh

Năm 2010, các cổ đông xảy ra mâu thuẫn về giá trị vốn góp, ông Hiền cho đóng mỏ đá, công ty tạm dừng hoạt động. Năm 2011, Công ty Sezako khởi kiện Công ty Đức Huy và ông Hiền ra Tòa.

Ông Jan Vreck đề nghị Tòa công nhận phần vốn góp của Công ty Sezako vào công ty Việt Séc hơn 1,3 triệu USD (hơn 24 tỉ đồng); Không công nhận phần vốn góp của Công ty Đức Huy vào Công ty Việt Séc; Buộc ông Hiền phải bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra do việc điều hành công ty trái pháp luật.

Ông Hiền cho rằng, với tư cách Giám đốc Công ty Việt Séc, ông đã thực hiện đúng điều lệ công ty, đúng thỏa thuận vốn góp. Đề nghị Tòa công nhận phần vốn góp của Công ty Đức Huy hơn 24 tỉ đồng.

Từ năm 2011 tới nay, vụ án trải qua 6 phiên xét xử sơ thẩm và phúc thẩm với nhiều bản án được tuyên nhưng cả nguyên đơn và bị đơn đều kháng cáo. Mới đây nhất, tại phiên xét xử phúc thẩm ngày 18/10/2021, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên công nhận phần vốn góp của Công ty Sezako tại Công ty Việt Séc hơn 14,9 tỉ đồng, vốn góp của Công ty Đức Huy hơn 14,7 tỉ đồng.

Như vậy, sau thời gian tranh chấp dai dẳng, phía Công ty Đức Huy cuối cùng đã được Tòa công nhận và giữ được phần vốn góp tại Công ty Việt Séc. Tuy nhiên, theo đại diện công ty, hơn 10 năm theo đuổi vụ kiện, hàng chục tỉ đồng bị “đóng băng” tại Công ty Việt Séc khiến Công ty Đức Huy cũng như ông Hiền gần như kiệt quệ tài chính, tinh thần.

h2-duc-huy(1).jpg
Bản án số 08/2021/KDTM-PT của TAND Cấp cao tại Hà Nội

Theo ông Hiền, thiệt hại của cá nhân ông và Công ty Đức Huy phải gánh chịu xuất phát từ những hành vi sai phạm của cổ đông Sezako và Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh.

Cụ thể, theo ông Hiền, cổ đông Sezako có dấu hiệu làm giả hồ sơ kê khai cấp đổi đăng ký doanh nghiệp lần 2 của Công ty Việt Séc, tổ chức họp Hội đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông trái pháp luật, tự ý thay đổi vốn điều lệ, thay đổi cổ đông sáng lập, ban hành nhiều quyết định trong lúc tranh chấp cổ phần vốn góp đang diễn ra.

“Dù là cổ đông sáng lập, có cổ phần trị giá hàng chục tỉ đồng tại Công ty Việt Séc, thế nhưng sau khi xảy ra tranh chấp, tài sản của Công ty Đức Huy tại công ty Việt Séc bị người khác chiếm dụng. Ông Jan Svreck tự thu hồi con dấu, quản lý toàn bộ hóa đơn, chứng từ của Công ty Việt Séc, tự thu giữ tài liệu kế toán mà không lập biên bản, không lập bảng kê tài liệu thu giữ. Đại diện Sezako đã tự tổ chức Hội đồng quản trị mà tôi không được tham dự. Tại hội nghị Đại hội đồng cổ đông, cho những người không phải cổ đông tham gia biểu quyết, tự ý cho tặng cổ phiếu công ty…”, ông Hiền cho biết.

Nghiêm trọng hơn, năm 2018, ông Trần Bá Hiển, đại diện ủy quyền của Công ty Sezako và Công ty Việt Séc đã gửi đơn đề nghị Phòng ĐKKD Sở KH&ĐT cấp đổi Giấy CNĐKDN cho công ty Việt Séc, loại Công ty Đức Huy ra khỏi danh sách cổ đông sáng lập.

Đáng nói, thời điểm này, nội bộ công ty đang xảy ra tranh chấp, tòa án đang thụ lý và chưa có phán quyết cuối cùng, thế nhưng ngày 16/10/2018, Phòng ĐKKD đã cấp đổi Giấy CNĐKDN thay đổi lần 02 cho Công ty Việt Séc kèm Giấy xác nhận mã số *9222/18* về việc thay đổi.

Cho rằng Phòng ĐKKD thực hiện việc cấp đổi trái quy định pháp luật, Công ty Đức Huy đã gửi đơn khiếu nại lên Giám đốc Sở KH&ĐT, tuy nhiên người đứng đầu cơ quan này cho rằng việc cấp đổi là đúng pháp luật.

Sau đó, Công ty Đức Huy đã gửi đơn tố cáo ông Trần Anh Tú, Giám đốc Sở KH&ĐT thời điểm đó tới Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Ngày 22/9/2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã kết luận vệ nội dung tố cáo. Theo đó, ông Trần Tú Anh - Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Tĩnh cùng các thuộc cấp ở Phòng ĐKKD và Thanh tra bị kiểm điểm khi liên quan đến việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ cấp đổi Giấy CNĐKDN thay đổi lần 02 cho Công ty Việt – Séc khi chưa đủ thành phần hồ sơ theo quy định của pháp luật.

h3-duc-huy(1).jpg
Biên bàn buổi làm việc giữa Sở Tư pháp Hà Tĩnh và đại diện Công ty Đức Huy về việc bồi thường

Kết luận nêu rõ, sau khi xác minh UBND tỉnh Hà Tĩnh đã công nhận hồ sơ ĐKDN thay đổi lần 02 của Công ty Việt – Séc do Phòng đăng ĐKKD tiếp nhận còn thiếu Văn bản của Sở KH&ĐT chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đối với trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 26 Luật Đầu tư năm 2014.

Đối với việc kiểm tra Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung ĐKDN mã số *9222/18*, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có kết luận rằng việc phản ánh các thông tin trong Giấy xác nhận kèm Giấy CNĐKDN thay đổi lần 02 cho Công ty Việt - Séc là chưa phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trách nhiệm này trước hết thuộc về Phòng ĐKKD và các cán bộ xử lý, tham mưu việc cấp đổi Giấy CNĐKKD thay đổi lần 02 cho Công ty Việt – Séc.

Theo đại diện của Công ty Đức Huy, sai sót của Phòng ĐKKD Sở KH&ĐT đã gây thiệt hại nặng nề cho công ty Đức Huy, thuộc trường hợp được bồi thường theo Luật Bồi thường nhà nước năm 2017. Do đó, doanh nghiệp này đã gửi Đơn yêu cầu bồi thường Nhà nước tới UBND tỉnh Hà Tĩnh, yêu cầu bồi thường số tiền hơn 14,7 tỉ đồng và lãi ngân hàng, lãi quá hạn, thu nhập từ đầu tư…từ tháng 01/2009 tới thời điểm bồi thường, tổng số tiền hơn 86,7 tỉ đồng.

Được biết, ngày 9/3/2022, Sở Tư pháp Hà Tĩnh đã tổ chức buổi làm việc với đại diện Công ty Đức Huy. Tại buổi đối thoại, Sở khẳng định hồ sơ yêu cầu bồi thường của Công ty Đức Huy không có đủ căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, đại diện công ty khẳng định, tại Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước quy định, việc cấp Giấy CNĐKDN không đúng quy định pháp luật thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và yêu cầu Sở Tư pháp nghiên cứu kỹ hồ sơ, đúng quy định pháp luật, tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Đến nay, bản án của TAND Cấp cao tại Hà Nội đã có hiệu lực, việc sai sót của phòng ĐKKD thuộc Sở KH&ĐT Hà Tĩnh gây thiệt hại cho doanh nghiệp cần được xử lý nhanh chóng, không nên né tránh trách nhiệm, gây tổn hại cho doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp thiệt hại do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh cấp đổi Giấy CNĐKDN trái quy định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO