Điểm phân phối bình ổn giá - Tăng hỗ trợ người dân mùa dịch

Tuấn Phong | 15/08/2021 10:42

BVCL - Hàng loạt chợ đầu mối, chợ dân sinh phải đóng cửa; chuỗi cung ứng hàng hóa đứt gãy; người dân khó mua được hàng hóa thiết yếu…, đó là thực trạng đã từng diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh khi dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, đến thời điểm này, với sự vào cuộc của Tổ công tác đặc biệt nhiều bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương, tình hình cung ứng hàng hóa đã dần ổn định.

Liên tục mở rộng các điểm bán

Thông tin từ Tổ công tác đặc biệt về đảm bảo nguồn cung hàng hóa và hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phía Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp - Bộ Công Thương (Tổ công tác đặc biệt) cho thấy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đặc biệt là biến chủng Delta có tốc độ lây lan rất nhanh, giai đoạn đầu, việc cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân rất khó khăn bởi chuỗi cung ứng đứt gãy.

anh-1.jpg
Viettel Post giao hàng đến khu vực phong tỏa

Hàng loạt chợ đầu mối phải đóng cửa do liên quan đến các ca F0 ngoài cộng đồng khiến nguồn hàng về thành phố không đủ đáp ứng nhu cầu. Ở nhiều điểm bán xảy ra tình trạng người dân đổ xô đi mua hàng hóa. Lúc đó, nhiệm vụ tối thượng là phải làm sao thiết lập lại hệ thống phân phối nhanh chóng, tiện lợi, song vẫn đảm bảo các yếu tố an toàn phòng, chống dịch.

Do đó, “mũi tiến công” đầu tiên được ngành Công Thương nhắm đến chính là hệ thống siêu thị, điểm bán hàng bình ổn giá trên địa bàn thành phố và khu vực phía Nam. Theo đó, thành phố đã chỉ đạo các hệ thống phân phối, doanh nghiệp bình ổn thị trường nâng khả năng dự trữ hàng hóa, nhất là các mặt hàng đồ khô với năng lực dự trữ lên 120.000 - 150.000 tấn/tháng, đảm bảo đầy đủ hàng phục vụ người dân.

Hưởng ứng lời kêu gọi, các doanh nghiệp đã nhanh chóng vào cuộc để đa dạng nguồn cung, bình ổn thị trường. Tính đến ngày 12/8, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cso 95/106 siêu thị, 2.750/2.895 cửa hàng tiện lợi, 37/234 chợ truyền thống đang hoạt động. Ngoài ra, thành phố đã triển khai 195 điểm bán hàng cố định, lũy kế đến ngày 12/8 đã triển khai được 845 điểm bán lưu động với 1.330 lượt xe, được phân bổ theo nhu cầu của các quận, huyện, TP. Thủ Đức.

Bên cạnh đó, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, hàng loạt các chuỗi siêu thị lớn như Saigon Coop, VinMart, Satra, Go!, Big C… đã đồng hành với cam kết tăng lượng hàng dự trữ gấp 4 - 6 lần so với giai đoạn thường, kéo dài thời gian mở cửa để phục vụ người dân mua sắm hàng hóa.

Đặc biệt, ngoài hệ thống siêu thị, đại siêu thị, các cửa hàng tiện lợi nằm sâu trong khu dân cư cũng phát huy hết công suất, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân. Các phương thức bán hàng không tiếp xúc như đi chợ hộ, đi chợ online… được triển khai mạnh nhằm phục vụ tối đa nhu cầu của người dân, kể cả trong khu vực cách ly.

Đơn cử, nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa, VinMart, VinMart+  đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp lớn ngay từ đầu năm 2021 để xây dựng nhiều kịch bản tăng lượng cung ứng và dự trữ hàng hóa lên 3 - 5 lần phục vụ nhân dân trong mọi diễn biến của dịch bệnh.

Đây là nỗ lực rất lớn trong bối cảnh giao vận hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn, nguồn cung sụt giảm do nhiều nhà cung cấp thiếu nhân sự khi nhà máy sản xuất phải thực hiện “3 tại chỗ”. VinMart cũng đồng thời chuyển phương thức đi chợ truyền thống sang đi chợ online thông qua ứng dụng VINID...

Tại Saigon Coop, không những tăng lượng hàng hóa lên 30% so với ngày thường, bên cạnh việc bán hàng tại các siêu thị, Saigon Coop còn tăng cường bán hàng trên các ứng dụng app, trang website http://cooponline.vn/, liên kết với hầu hết ứng dụng công nghệ của các hãng và còn đang kết hợp đoàn thể địa phương phát hành phiếu “đi chợ giúp người dân”.

Đối với các khu vực phong tỏa, sẽ có phương án kết hợp tổ dân phố lập danh sách đi chợ giúp dân hoặc cung cấp combo 5 - 10 mặt hàng thiết yếu đến từng gia đình. Hình thức mua hàng bằng combo, kết hợp với những bí quyết bảo quản trong mùa dịch được nhiều người dân hưởng ứng.

Tận dụng tốt hệ thống bưu điện

Tổ công tác đặc biệt cũng thông tin, ngoài các hình thức phân phối truyền thống, điểm đáng lưu ý trong việc cung ứng hàng hóa cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam là tận dụng tốt hệ thống vận chuyển của bưu điện phân phối, lưu chuyển hàng hóa khu vực có dịch. Đồng thời, tận dụng hệ thống các điểm bán của bưu điện làm điểm phân phối hàng hóa.

anh-2.jpg
Điểm bán hàng bình ổn của Điện Máy Xanh

Theo đó, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VN Post) đã phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Phú Yên triển khai trên 460 điểm bán hàng bình ổn, hàng tiêu dùng thiết yếu. VN Post đang chỉ đạo đơn vị trực thuộc hoàn thiện danh bạ các điểm bán hàng bình ổn trên mạng lưới bưu điện để phối hợp với Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tỉnh truyền thông tới người dân để đẩy mạnh hình thức mua hàng không tiếp xúc, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19.

Với Tổng công ty Cổ phần bưu chính Viettel (Viettel Post), Tổ công tác đặc biệt đã phối hợp với Viettel Post cung cấp thông tin đầu mối liên hệ của Viettel Post ở các địa phương cho Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phía Nam để cùng phối hợp triển khai Chương trình “Đơn hàng thiết yếu 0 đồng”.

Thực hiện chương trình, các địa phương huy động nguồn hàng tài trợ (hàng thiết yếu), Viettel Post nhận hàng tài trợ, chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển miễn phí và phối hợp với lực lượng vũ trang Quân khu 7 giao hàng đến các điểm cách ly, phong tỏa, hỗ trợ cho người dân đang gặp khó khăn. Đây là sự phối hợp rất hiệu quả giữa Bộ Công Thương - Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc bổ sung các hình thức cung ứng hàng thiết yếu cho vùng dịch thông qua công ty bưu chính.

Cùng với điểm bán hàng bình ổn giá, UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã triển khai nhiều loại hình phục vụ mua sắm cho người dân như: Phát phiếu đi chợ; tổ chức các điểm bán nhỏ với số lượng từ 2-15 tiểu thương/điểm.

Chương trình “tình nguyện viên giúp dân đi chợ” trong và ngoài khu cách ly, khu phong tỏa, tổ chức siêu thị 0 đồng, điểm bán hàng lưu động, hình thức mua hàng có đăng ký trước… đảm bảo nguyên tắc 5K của Bộ Y tế. nỞ tất cả các điểm bán bình ổn giá, lực lượng quản lý thị trường đã ra quân kiểm soát thường xuyên nhằm đảm bảo hàng hóa không vi phạm quy định về niêm yết giá, để người dân được mua hàng chính hãng với giá ổn định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điểm phân phối bình ổn giá - Tăng hỗ trợ người dân mùa dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO