Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số: Giải bài toán phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh COVID-19

Minh Ngọc | 27/05/2021 08:29

BVCL - Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam đã thể hiện được khả năng kiểm soát dịch tốt và biến khủng hoảng thành cơ hội. Nhưng để nền kinh tế phục hồi và phát triển bền vững, cần khẩn trương điều chỉnh các chính sách trong ngắn hạn và chuyển đổi mô hình kinh tế mạnh mẽ hơn nữa.

Đại dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ ngày 23/01/2020 và đã trải qua một số đợt bùng phát trên phạm vi nhiều địa phương trong cả nước, hiện nay đang là đợt dịch thứ tư, khiến nền kinh tế bị tác động tiêu cực, khó lường và có thể còn lâu dài. Trước những hậu quả nặng nề của đại dịch COVID-19, Chính phủ Việt Nam đã phản ứng kịp thời, hiệu quả với quy mô và tinh thần quyết liệt chưa từng có trong lịch sử.

kinhtevietnam2018rbdt-w500-h312.jpg

Trong đó, tại Việt Nam, trong tháng 3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ba lần ban hành các Chỉ thị 11/CT-TTg (ngày 04/3), 15/CT-TTg (ngày 27/3) và 16/CT-TTg (ngày 31/3) về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và các biện pháp cấp bách phòng chống đại dịch COVID-19. Sau đó, trong tháng 4/2020, hàng loạt văn bản pháp lý khác quan trọng hơn đã được Chính phủ và Quốc hội ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua các khó khăn kinh tế.

Nhiều chuyên gia đánh giá, Việt Nam đã thể hiện được khả năng kiểm soát khủng hoảng COVID-19 và biến khủng hoảng thành cơ hội với việc bước đầu thực hiện được mục tiêu kép. Đặc biệt trong bối cảnh khó khăn, Việt Nam đã nâng cao sự hiện diện trong thương mại toàn cầu và hàm lượng giá trị gia tăng nội địa trong các mặt hàng xuất khẩu. Quá trình chuyển đổi số được đẩy nhanh với việc kết nối, tận dụng các công cụ công nghệ thông tin mới tốt hơn…

Dư luận nhiều nước cho rằng Việt Nam là điểm sáng khi chúng ta vừa tiến hành các biện pháp cấp bách phòng chống đại dịch COVID-19, và để đạt được mục tiêu kép, chúng ta đã có nhiều cách làm mang tính chiến lược, dài hơi. Nói cách khác, song hành với những chính sách mang tính ngắn hạn đang thực hiện nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của COVID-19, Việt Nam đã và đang kiên trì với những cải cách dài hơi hơn để cải thiện nền tảng vĩ mô và giảm thiểu rủi ro trong tương lai. Những giải pháp mang tính dài hạn để chuyển đổi căn bản mô hình tăng trưởng, gia tăng chất lượng tăng trưởng đã được kiên quyết thực hiện với quyết tâm chính trị cao nhất nhằm bảo đảm nền kinh tế duy trì sản xuất trong đại dịch, hồi phục nhanh chóng sau đại dịch và tiến tới phát triển bền vững. Một trong những hướng đi đó là đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào công nghệ - đổi mới sáng tạo, như chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định, trong việc thực hiện thành công mục tiêu kép vừa qua, có thể thấy rõ sự hiện diện của chuyển đổi số.

Biến nguy cơ thành thời cơ theo định hướng của Đảng

Nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của COVID-19, đồng thời để nền kinh tế vượt qua đại dịch, sớm phục hồi và phát triển, Đảng và Nhà nước đã đưa ra định hướng về các quá trình chuyển đổi số. Đặc biệt mới đây Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

4731024cv-w512-h285.jpg

Một trong 10 nhiệm vụ chủ yếu mà Chính phủ đề ra là: đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm thực chất, hiệu quả; phát triển nền kinh tế số; thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số chính là cơ sở, tiền đề để thực hiện nhiệm vụ trên.

Đại hội XIII của Đảng đã đề cao ý chí, khát vọng phát triển đất nước, để đến năm 2025 đưa nước ta trở thành nước có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, nước ta trở thành nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Trong đó, chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện khát vọng trên.

Công nghệ số là một bước phát triển ở trình độ cao hơn của công nghệ thông tin, với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, chuỗi khối; các thông tin, dữ liệu đều được chuyển thành thông tin, dữ liệu điện tử, được số hóa, được lưu trữ, truyền tải với dung lượng lớn hơn, được xử lý nhiều hơn, nhanh hơn. Công nghệ số có tác động và ảnh hưởng lớn và đồng thời đến hầu như tất cả mọi ngành, lĩnh vực; kết nối, truyền dẫn thông tin, lưu giữ, quản lý, xử lý thông tin, tạo nên tổ chức và hoạt động của cả hệ thống, tạo nền tảng cho các công nghệ khác được thực hiện.

Kinh tế số là nền kinh tế vận hành chủ yếu trên các công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua internet. Nội dung về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số được đề cập đến nhiều lần trong các văn kiện của Đảng. Kinh tế số cũng được Đại hội XIII đưa thành một trong những chỉ tiêu chủ yếu của phát triển kinh tế-xã hội đất nước trong những năm tới.

Đó là đến năm 2025, kinh tế số phải đạt khoảng 20% GDP; với việc đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội phải đạt bình quân trên 6,5%/năm, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng phải đạt khoảng 45%. Đến năm 2030, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%/năm, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng đạt 50%.

Nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua chuyển đổi số

Để thực hiện các định hướng, quan điểm và chỉ tiêu đề ra về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, các văn kiện Đại hội XIII đã đề ra đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Theo đó, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, cần quan tâm tới thể chế cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, như: xây dựng khung khổ pháp luật, môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; hỗ trợ, khuyến khích sự ra đời, hoạt động của những lĩnh vực mới, mô hình kinh doanh mới; phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ theo phương thức tổ chức, giao dịch văn minh, hiện đại, thương mại điện tử; phát triển đồng bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm... trên nền tảng công nghệ số với kết cấu hạ tầng, công nghệ và phương thức giao dịch hiện đại.

Cùng với đó, thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số. Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng chính phủ số, đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực, của nền kinh tế, phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Cụ thể, đẩy nhanh chuyển đổi số đối với một số ngành, lĩnh vực đã có điều kiện, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ứng dụng và phát triển công nghệ mới, ưu tiên công nghệ số, kết nối 5G và sau 5G, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, năng lượng sạch… để chuyển đổi, nâng cao năng suất, hiệu quả nền kinh tế. Tập trung phát triển những ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao như công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, an toàn, an ninh mạng; công nghiệp chế tạo thông minh; tài chính-ngân hàng, thương mại điện tử; nông nghiệp số, du lịch số, công nghiệp văn hóa số v.v...

Đại dịch COVID-19 rõ ràng là một nguy cơ, nhưng chúng ta đã biết biến nguy cơ thành thời cơ để cải cách chính mình. Theo PGS. TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thì chúng ta đang đứng trước cơ hội vàng để bứt phá và tăng tốc nhờ khoa học công nghệ và tiệm cận dần với giai đoạn của đổi mới sáng tạo. Đây là cơ hội hiếm có để thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực, và chuyển đổi số chính là cú hích quan trọng và là trụ cột nền tảng để nâng đỡ quá trình phục hồi, tăng cường năng lực chống chịu và cải thiện chất lượng tăng trưởng kinh tế theo hướng hiệu quả, xanh và bền vững.

Theo
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số: Giải bài toán phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO