Chương trình “hỏi để khỏe hơn” số 1: Dấu hiệu nhận biết nhồi máu cơ tim & hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân nhồi máu cơ tim

L. Thanh| 22/12/2021 21:24

Nhằm nâng cao nhận thức của người dân về cách phòng và điều trị các bệnh lý không lây nhiễm, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phối hợp với Công ty dược phẩm Sanofi Việt Nam đã khởi động chương trình tư vấn sức khỏe trực tuyến “Hỏi để khỏe hơn”. Số đầu tiên của chương trình với chủ đề “Dấu hiệu nhận biết nhồi máu cơ tim và hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân nhồi máu cơ tim” đã phát sóng trên Kênh Youtube và Fanpage của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vào sáng thứ 7 (18/12).

Nhồi máu cơ tim là hiện tượng một cục huyết khối đột ngột làm tắc động mạch vành nuôi tim, khiến một phần cơ tim bị chết đi. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh sẽ đối mặt với nguy cơ tử vong rất cao.

Theo TS. BS. Nguyễn Thị Minh Lý - Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhấn mạnh, nhồi máu cơ tim có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhất là những người có yếu tố nguy cơ. Tần suất xảy ra sẽ cao hơn ở những đối tượng có yếu tố nguy cơ về bệnh lý tim mạch, ví dụ bệnh nhân có tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, hoặc là những bệnh nhân béo phì, hút thuốc lá, thuốc lào nhiều. Hoặc bệnh nhân có lối sống tĩnh tại, hoặc những trường hợp bệnh nhân có công việc áp lực căng thẳng thường xuyên, stress. Đấy là những yếu tố mà bệnh nhân sẽ có nguy cơ cao hơn xảy ra nhồi máu cơ tim so với các trường hợp khác.

anh-1.png
TS. BS. Nguyễn Thị Minh Lý - Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhấn mạnh trao đổi tại chương trình.

Trong chương trình, khán giả có nickname Nguyễn Thị Quỳnh T cũng đã đặt câu hỏi về những nguyên nhân có thể gây nhồi máu cơ tim ở những người trẻ. Giải đáp cho câu hỏi này, TS. BS Nguyễn Thị Minh Lý cho biết: Một trong những yếu tố về tính chất di truyền, thí dụ như gia đình mình có người thân từng bị nhồi máu cơ tim. Thứ hai là những vấn đề mình hay đề cập hơn ở người trẻ là những cái xúc động đột ngột và những yếu tố ngoài vấn đề hẹp thì còn là sự co thắt đột ngột động mạch vành. Hoặc có những trường hợp có các rối loạn như dị dạng mạch vành. Đây là một dạng dị tật tim bẩm sinh nhưng mình không triệu chứng nên mình cũng không đi khám. Còn một vấn đề nữa trong xã hội hiện đại bây giờ, đó chính là béo phì.

Trước những băn khoăn của khán thính giả về những triệu chứng cảnh báo sớm nhồi máu cơ tim, TS. BS. Nguyễn Thị Minh Lý giải đáp: Đôi khi những triệu chứng nhồi máu cơ tim rất đa dạng, có thể chỉ là cảm giác khó chịu ở ngực hoặc đau ngực, không rõ rệt. Có những trường hợp mình cảm thấy như là mỏi vai sau một ngày lao động, làm vườn hoặc làm việc trên đồng ruộng, mình nghĩ rằng đó chỉ là mỏi cơ đơn thuần. Hoặc có những trường hợp bệnh nhân cảm thấy cảm giác nghẹn ở ngực, đầy tức ở ngực giống như mình bị đầy hơi, do bệnh lý về tiêu hóa. Hoặc trong một số trường hợp bệnh nhân có triệu chứng chóng mặt, buồn nôn hoặc nôn. Trong một số trường hợp bệnh nhân có triệu chứng vã mồ hôi, đây là một triệu chứng rất điển hình mà chúng ta cần phải lưu ý, nó khá là đặc hiệu trong trường hợp bệnh nhân có cơn nhồi máu cơ tim. Một số bệnh nhân có biểu hiện khó thở, đau thắt ngực, khó chịu ở một số vị trí ví dụ như cổ, hàm, vai, lưng, vùng thượng vị…

TS. BS Nguyễn Thị Minh Lý cũng khuyến cáo mọi người khi xuất hiện những dấu hiệu vừa nêu thì cần ngừng ngay mọi hoạt động, nghỉ ngơi ở chỗ thoáng khí và theo dõi thêm triệu chứng để kịp thời nhờ người thân đưa đi bệnh viện: Khuyến cáo của các hội Tim mạch trên thế giới và của Việt Nam thì thời gian tối ưu để bảo tồn cho cơ tim, nhồi máu cơ tim thì nhánh động mạch vành bị tắc cần được mở thông ra trong vòng 120 phút, tức là 2 tiếng đầu. Thời gian là vàng đối với cơ tim.

Với câu hỏi của khán giả hỏi về kỹ thuật đặt stent động mạch vành để điều trị nhồi máu cơ tim. TS. BS Nguyễn Thị Minh Lý cho biết, đây là một kỹ thuật can thiệp hiện đại, tương đối nhẹ nhàng, an toàn và hiệu quả, hiện đang được thực hiện thường quy tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Đây là một kỹ thuật can thiệp nội soi, tức là bệnh nhân không phải mổ mở mà chỉ có một vết chọc nhỏ ở cổ tay phải hoặc đùi bên phải. Bác sĩ can thiệp sẽ luồn hệ thống những dây ống thông nhỏ mảnh, đưa vào đến tận động mạch chủ và dùng một chất gọi là thuốc cản quang để hiện hình động mạch vành đó, chụp hình dưới một hệ thống máy đặc biệt. Qua vị trí vết chọc đó, họ sẽ đưa các dụng cụ vào. Cái stent đưa vào là một vật liệu kim loại dạng mắt lưới, giống như cái giá đỡ. Họ đưa stent vào đúng vị trí hẹp đó và họ sẽ dùng những quả bóng chuyên dụng để họ nong cho stent nở căng hết ra và ép vào thành động mạch vành.

Còn về những thắc mắc trong quá trình chăm sóc sau can thiệp và chế độ dinh dưỡng cho người bệnh để đề phòng bệnh tái phát, TS. BS Nguyễn Thị Minh Lý đưa ra lời khuyên: Xử trí xong thì nó sẽ bước sang một giai đoạn mới là mình cần phải có các biện pháp về thay đổi chế độ ăn, lối sống, lối sinh hoạt để ổn định tình trạng bệnh lý, tránh nguy cơ xảy ra tái phát, tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Mình sẽ lựa chọn cho bệnh nhân một chế độ ăn giàu rau xanh, chất xơ, hạn chế các loại mỡ, các loại chất béo không tốt cho sức khỏe. Chế độ năng lượng, hàm lượng từ tinh bột vừa phải, giảm muối. Với những trường hợp bệnh nhân có tiểu đường thì phải hạn chế đồ ngọt trực tiếp để kiểm soát đường máu cho người bệnh. Chế độ ăn nên thay đổi đa dạng để bệnh nhân có thể thấy ngon miệng và tuân thủ.

anh-2(1).jpg
Chương trình “Hỏi để khoẻ hơn” số 2 với chủ đề “Sử dụng kháng viêm an toàn và hiệu quả trong bệnh lý Tai-Mũi-Họng”

Số đầu tiên chương trình “Hỏi để khoẻ hơn” với nội dung tư vấn về bệnh “Nhồi máu cơ tim”, do Phòng Truyền thông - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phối hợp cùng công ty Dược phẩm Sanofi Việt Nam thực hiện sẽ tiếp nối với số 2 có chủ đề “Sử dụng kháng viêm an toàn và hiệu quả trong bệnh lý Tai-Mũi-Họng”. Khách mời của chương trình là Ths. BS Từ Minh Thu - Trung tâm Tai-Mũi-Họng và Phẫu thuật cấy ốc tai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Chương trình được phát sóng trên Fanpage và Youtube của Bệnh viện vào lúc 10h sáng thứ 7 (25/12) và phát lại trên Zalo và Website. Mời quý vị chú ý theo dõi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương trình “hỏi để khỏe hơn” số 1: Dấu hiệu nhận biết nhồi máu cơ tim & hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân nhồi máu cơ tim
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO