Chuỗi ngày bi kịch của người đàn bà mang tội sát hại chồng

Trang Trần| 02/07/2021 06:24

BVCL - Sự dồn nén bấy lâu của bà Hương ví như quả bóng đã bơm quá đầy hơi chỉ cần thêm một cú kích nhẹ là tan nát. Trong thời khắc ấy, sợi dây thừng chính là thứ đã vĩnh viễn phá đi giới hạn điểm tận cùng của bà…

Sầm Thị Hương (SN 1959, trú xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, Nghệ An) không thể nhớ đây là lần thứ bao nhiêu bà bị chồng chửi mắng, đánh đập. Không phải bà quá nhu nhược đến mức để người đàn ông ấy mặc sức “cưỡi lên đầu lên cổ” mà bà biết sự phản kháng của mình chỉ làm khổ thêm các con cho nên mới nhịn. Bà cứ vậy âm thầm đem chua xót nuốt vào trong bụng, một lần lại thêm một lần. Bởi hơn ai hết bà biết rằng, thời gian có thay đổi, cảnh vật có thay đổi thì tính nết con người đó vẫn không bao giờ thay đổi.

Cuộc đời của Sầm Thị Hương cho đến thời điểm này có lẽ những ngày vui đếm chưa đủ trên đầu ngón tay. Là người dân tộc Thái, gia đình nghèo nên bà không được đến trường, bà không biết chữ. Không học hành, sống ở vùng miền núi nên bà cũng như bao người con gái khác không thoát được cảnh… lấy chồng sớm. Sau khi lập gia đình, bà cứ thế sinh một lèo 6 đứa con, cúi mặt ngẩng đầu tuổi thanh xuân theo đó trôi tuột từ bao giờ.

anh-tr4-w500-h279.jpg

Người đàn ông mà Sầm Thị Hương nên nghĩa vợ chồng là Lữ Văn Phụng. Cuộc sống nghèo khó, thiếu thốn và việc nuôi 6 đứa con quả thực không phải là điều dễ dàng gì đối với đôi vợ chồng trẻ này. Vậy là ngày tháng nhẹ nhàng, yêu thương của họ cũng theo đó cạn dần. Phụng không còn đặt gia đình làm mục tiêu hướng tới như đã hứa hẹn, thay vào đó anh ta thoải mái sống với những cơn say xỉn. Số giờ tỉnh trong ngày, số ngày tỉnh trong tuần, số tuần tỉnh trong tháng cứ thế ít đi. Khốn nỗi, khi số ngày say xỉn của Phụng nhiều lên thì số ngày bà Hương bị chửi bới, đánh đập cũng trở thành tỷ lệ thuận. Phụng không màng đến việc nương rẫy, chăn nuôi cùng vợ như trước, thay vào đó để có tiền uống rượu người đàn ông này bắt đầu hành nghề “hai ngón”.

Nhiều lần trộm tài sản của người dân trong bản và đã bị chính quyền xử lý, nhắc nhở nhưng Phụng cũng chỉ “gió thoảng qua tai”, căn bản anh ta không hề biết xấu hổ. Người đàn ông ấy có thể sống như vậy nhưng bà Hương không thể “nhắm mắt” coi như không có chuyện gì xảy ra cho nên bà cứ âm thầm đi “dọn”… hậu quả. Nghĩ đến tương lai các con, bà không ít lần khuyên nhủ chồng bớt rượu chè chí thú làm ăn, bỏ thói trộm cắp đồ của người khác nhưng người đàn ông đó không những không nghe mà còn chẳng chút lưu tình “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với bà. Thực sự đến bây giờ, bà không biết mình ăn chửi, ăn đánh từ chồng bao nhiêu lần, đơn giản là vì quá nhiều nên không thể nhớ.

Theo thời gian, các con của bà khôn lớn, lần lượt lập gia đình rời bản, xuống phố làm ăn. Mọi thứ dần thay đổi, duy cái nghèo và sự cơ cực của bà Hương thì vẫn vậy. Bà không phải vất vả nuôi con thì giờ quay sang chật vật chăm cháu. Khó khăn về vật chất lẫn tinh thần đã vắt kiệt sức lực của người phụ nữ ấy. Đôi khi bà cảm thấy khâm phục chính mình về sự chịu đựng, không hiểu là vì bà không có sự lựa chọn nào khác, hay căn bản bà là người cam chịu đến nhu nhược. Nhưng đến cùng thì dù bất bất cứ lý do gì đi nữa bà cũng luôn nghĩ rằng bà không phải lựa chọn sống cho mình mà là đang sống vì con vì cháu.

Cuộc sống của bà Hương thực sự là những chuỗi ngày tích tụ, dồn  nén uất ức. Người ta nói “con giun xéo lắm cũng quằn”, bà Hương cũng không phải là thánh nhân để hoàn toàn coi mọi chuyện là “sắc sắc không không”. Chẳng qua bà đang gồng mình để kiềm lại sự điên cuồng, phẫn nộ trong lòng. Vậy nhưng, đến cùng bà đã không còn đủ sức, không còn sự tỉnh táo để giữ chặt sự điên cuồng ở trong lòng.

Jail.-1-696x699.jpg

Chiều tối 12/01/2021, cũng như nhiều ngày khác, ông Phụng lại ngồi lai rai với một nhóm bạn. Khi đám bạn nhậu ra về thì ông Phụng cũng đã ngà ngà. Say rượu, mất đi lý trí nên ông Phụng ném hết bát đĩa, đập phá nồi niêu mà bà Hương mới sắm được từ tiền của con đi làm thuê gửi về. Lúc này bà Hương đang cho gà ăn, nghe cháu chạy ra báo tin. Bực tức, bà Hương nói: “Con cái đi làm thuê, gửi tiền về mua được chục bát to, ông đập gần hết rồi... ông đi chết đi”. Đáp lại, ông Phụng đã chửi bới và có những câu nói xúc phạm vợ.

Bực tức vì chồng đập phá đồ đạc, xúc phạm mình, lại nhớ đến những lần lên cơn say rượu trước đây của chồng, bà Hương đã dùng dây thừng siết cổ khiến nạn nhân ngã xuống nền nhà. Trong cơn lửa giận, bà Hương tiếp tục cầm gậy gỗ đánh vào đầu chồng mình. Hàng động của bà đã thực sự mất kiểm soát cho đến khi bật bóng đèn lên thấy miệng chồng sùi bọt mép mới hô hoán hàng xóm đến giúp đỡ. Tuy nhiên, nạn nhân đã tử vong, nguyên nhân được xác định là ngạt đường hô hấp do chèn cổ bằng dây.

Phiên tòa xét xử bị cáo về tội “Giết người” kéo dài nhiều tiếng đồng hồ. Người phụ nữ sống một đời khổ sở không ngờ đến sẽ có ngày lại nhận một kết cục đau khổ như thế. Đối diện với cảnh tù tội, người đàn bà này lại vô cùng sợ cảnh cô đơn, sợ các con giận mình mà xa lánh. Người đàn ông ấy dù xấu xa, tàn nhẫn với bà thì vẫn là cha của 6 đứa con và ông của những đứa cháu. Bà không thể vì tức giận mà cướp đi mạng sống của người đó, bà đã sống và chịu đựng người đàn ông ấy hơn nửa đời người, vậy tại sao không thể tiếp tục “vờ như không” để sống. Đó là điều bà day dứt, ân hận cũng là trách bản thân mình nhất lúc này. “Dù thế nào đi chăng nữa thì mẹ cũng có lỗi với các con…”, lời xin lỗi của Sầm Thị Hương nghẹn ngào trong nước mắt.

Con dâu của Sầm Thị Hương tham dự phiên tòa với tư cách người có quyền lợi liên quan, không yêu cầu bồi thường về dân sự, đồng thời  xin giảm án cho mẹ mình. “Từ ngày làm dâu đến khi xảy ra sự việc, mẹ chồng tôi là người hiền lành, luôn lo cho chồng con. Tôi dù là con dâu nhưng mẹ hết mực thương yêu. Nhưng vì cuộc hôn nhân của mẹ không hạnh phúc, bị bố chửi mắng, đánh đập. Bố thậm chí còn nhiều khi không cho mẹ ăn cơm. Mẹ phải chịu khổ nhiều, có lẽ vì thế mới có hành động mất kiểm soát chứ mẹ không cố tình giết người”, người con dâu chua xót nói.

Sự việc ngày hôm đó đối với bà Hương như giọt nước tràn ly, nó thực sự đã biến bà từ một người hiền lành trở thành kẻ giết người và nhận về mình mức án 7 năm tù.

Sự “ra đi” của chồng, tưởng có thể khóa lại mọi sự sợ hãi, sự đau lòng, sự chịu đựng của Sầm Thị Hương nhưng thực ra là đang nối dài thêm tấn bi kịch mà bà vốn có.

(Tên bị hại đã được thay đổi).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuỗi ngày bi kịch của người đàn bà mang tội sát hại chồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO