Canada thay đổi quy trình nhập khẩu hàng hóa, các doanh nghiệp xuất khẩu cần đặc biệt lưu ý

Tào Đạt| 09/06/2021 12:13

BVCL - Mới đây, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Cơ quan Dịch vụ biên giới Canada (CBSA) vừa thông báo thay đổi quy trình nhập khẩu hàng hóa trong giai đoạn 2 của Dự án Đánh giá và Quản lý thuế (CARM 2), dự kiến có hiệu lực từ tháng 5/2022.

Cục Phòng vệ thương mại cho biết, CBSA yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu sang Canada đang bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) theo Đạo luật về các biện pháp nhập khẩu đặc biệt (SIMA) đăng ký Mã số doanh nghiệp (Business Number) và Tài khoản SIMA (SIMA Program Account).

unnamed-11-.jpg
Ảnh minh họa

Theo đó, khi Dự án CARM 2 có hiệu lực, doanh nghiệp nhập khẩu vào Canada và doanh nghiệp xuất khẩu sang Canada muốn sử dụng giá trị thông thường, các khoản điều chỉnh giá xuất khẩu hay mức trợ cấp riêng biệt đối với từng lô hàng thì phải có Mã số doanh nghiệp và Tài khoản SIMA.

Nếu không làm theo quy định này, hàng hóa nhập khẩu sẽ không được hưởng thuế suất riêng rẽ trong các vụ việc chống bán phá giá, chống trợ cấp mà phải chịu mức thuế suất toàn quốc của biện pháp PVTM đang áp dụng.

Trên cơ sở đó, Cục Phòng vệ thương mại lưu ý doanh nghiệp về cách thức đăng ký Mã số doanh nghiệp và Tài khoản SIMA Hoàn thành Biểu mẫu RC1-19e và gửi tới địa chỉ email simaregistry-depotlmsi@cbsa-asfc.gc.ca trước ngày 22/6/2021.

Ngoài ra, cung cấp bản sao của các tài liệu sau (chỉ cung cấp các tài liệu tương ứng với hình thức pháp nhân của doanh nghiệp.

Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Canada, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm liên quan đăng ký Mã số doanh nghiệp và Tài khoản SIMA với cơ quan chức năng của Canada trước thời hạn quy định.

Cục Phòng vệ thương mại thông tin, Việt Nam hiện có 7 mặt hàng xuất khẩu đang bị Canada áp điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. 

Cùng với đó, một mặt hàng mới bị áp thuế PVTM tại Canada là ghế bọc đệm, với mức thuế chống trợ cấp từ từ 0 - 11,73%. Trước đó, thép cốt bê tông nhập khẩu của Việt Nam cũng bị Canada điều tra CBPG...

Được biết, Canada là thị trường xuất khẩu có nhiều triển vọng của Việt Nam tại khu vực châu Mỹ, đặc biệt sau khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ đầu năm 2019.

Số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và thị trường châu Mỹ đạt gần 111,8 tỷ USD, tăng 16,2% so với năm 2019. Trong đó, xuất khẩu sang Canada vẫn tăng trưởng hơn 13%, đạt 4,4 tỷ USD.

Xét trên bình diện chung, xuất khẩu sang Canada mới chỉ chiếm 1,48% trong tổng xuất khẩu đi thế giới của Việt Nam (năm 2019).

Từ góc độ của Canada, Việt Nam mặc dù nằm trong top 10 nguồn nhập khẩu lớn nhất (năm 2019), nhưng hàng hóa từ Việt Nam cũng mới chỉ chiếm 1,16 % thị phần nhập khẩu hàng hóa của nước này.

Tuy nhiên, triển vọng để hàng Việt Nam vươn sang Canada vẫn cực kỳ sáng sủa nếu các doanh nghiệp có thể nắm bắt cơ hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Canada thay đổi quy trình nhập khẩu hàng hóa, các doanh nghiệp xuất khẩu cần đặc biệt lưu ý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO