Các trường trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa kêu cứu

Thanh Phương| 12/05/2022 15:39

Sau khi sáp nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên vào Trường Trung cấp nghề trở thành một đầu mối có hai chức năng, nhiệm vụ, vừa đào tạo nghề vừa đào tạo văn hóa cho học viên. Tuy nhiên các trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa mới chỉ được cấp kinh phí cho hoạt động dạy nghề, còn đào tạo văn hóa đang để cho các trường tự lo. Điều này khiến các trường nghề như “ngồi trên đống lửa”.

Theo Quyết định sáp nhập số 3485/QĐ-UBND ngày 30/8/2019 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc sáp nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) huyện Nga Sơn vào Trường Trung cấp nghề (TCN) Nga Sơn và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của TCN Nga Sơn, trực thuộc UBND huyện Nga Sơn, có nêu: Sáp nhập nguyên trạng, bổ sung nhiệm vụ giáo dục thường xuyên; chuyển giao cán bộ, giáo viên, viên chức, lao động, (19 người trong biên chế) người học; tài chính, tài sản vào Trường Trung cấp nghề Nga Sơn.

a3tcn.jpg
Quyết định sáp nhập TTGDTX vào trường Trung cấp nghề

Với quyết định này, TCN Nga Sơn sẽ nhận số người làm việc từ bên TTGDTX sang là 19 biên chế để thực hiện chức năng giảng dạy văn hóa (hoạt động như một trung tâm GDTX độc lập, đảm bảo tất cả các nhiệm vụ của một TTGDTX) song song với hoạt động của hệ trung cấp, sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên.

Đối với kinh phí chi cho hoạt động Giáo dục nghề nghiệp thì được tính bằng “số học sinh học trình độ trung cấp nghề hiện có x kinh phí đặt hàng đào tạo của Nhà nước + học phí”. Đối với kinh phí chi cho hoạt động GDTX được tính bằng “số biên chế cán bộ giáo viên của hệ GDTX + học phí”.

a1tcn.jpg
Một góc trường TCN Nga Sơn

Hiệu trưởng TCN Nga Sơn Nguyễn Ngọc Minh cho biết: Năm 2022, nhà trường không được giao kinh phí hoạt động cho hệ GDTX. Trong khi đó tổng tiền lương và các khoản phụ cấp năm 2022 toàn trường là hơn 4,55 tỷ đồng. Riêng 19 biên chế chuyển từ TTGDTX là 2,45 tỷ đồng/năm, đây là số kinh phí mà nhà trường không thể nào tự cân đối được. Dự kiến chi đủ lương cho đến tháng 7/2022 các tháng còn lại không biết xoay sở ra sao. Hiện nay, cán bộ lãnh đạo cũng như giáo viên và học sinh đang rất hoang mang lo lắng.

Trường TCN Bỉm Sơn và TCN Thạch Thành cũng đang rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” do không được cấp kinh phí cho số giáo viên đào tạo văn hóa từ TTGDTX sáp nhập về. TCN Thạch Thành có 9 giáo viên, để chi trả chế độ cho những người này theo đúng quy định khoảng 900 triệu/năm. Để thích ứng, TCN Bỉm Sơn đang giao công việc khác cho giáo viên văn hóa và đi thuê đơn vị khác dạy văn hóa cho các học viên.

Trước tình trạng khó khăn của các trường TCN, có hai lựa chọn, đó là: UBND huyện, thị xã có văn bản báo cáo UBND tỉnh tháo gỡ, cấp bù kinh phí bởi giao nhiệm vụ, giao công việc, giao con người… nhưng không giao kinh phí. Điều này đồng nghĩa với việc không thể hoạt động được.

Phương án khác là toàn bộ giáo viên văn hóa của các trường TCN bàn giao về cho huyện, thị xã để các đơn vị này bố trí công việc phù hợp. Lúc này, việc giảng dạy hệ giáo dục thường xuyên sẽ thuê giáo viên hợp đồng theo tiết. Nhà trường vẫn phải mấy kinh phí cho việc ký hợp đồng thuê này.

Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn Lê Văn Dậu cho hay: “Bất cập tại trường TCN chúng tôi đã nắm được. Thẩm quyền giải quyết phải của cấp trên vì huyện không thể chi ngân sách hỗ trợ số giáo viên đang thuộc biên chế của trường TCN. Trong quyết định chức năng, nhiệm vụ của trường thì ngân sách tỉnh phải bố trí kinh phí cấp cho mục biên chế giáo viên đào tạo văn hóa. Trường hợp không cho đào tạo văn hóa trong Trường TCN thì số biên chế giáo viên đang thuộc trường nghề phải được bàn giao cho địa để bố trí sắp xếp công việc phù hợp. Lúc đó mới giảm được gánh nặng tài chính cho trường TCN. Thế nhưng anh lại phải đi thuê đơn vị khác dạy văn hóa thì cũng mất kinh phí không nhỏ. Cái này phải xem xét cụ thể, thấu đáo”.

Được biết, trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Giáo dục và đào tạo truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến từ Bộ Tư pháp để khẩn trương có văn bản hướng dẫn các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học tham gia tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan để khẩn trương hoàn thiện và ban hành văn bản quy định về việc dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Hiện nay, các trường nghề không được trực tiếp thực hiện hoạt động giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên bậc trung học phổ thông (chương trình 7 môn) cho hệ 9+. Thay vào đó, việc giảng dạy sẽ chuyển về các trung tâm giáo dục thường xuyên quản lý.

Tuy nhiên theo đại diện các trường nghề, quy định này phát sinh nhiều bất cập như lãng phí đội ngũ giáo viên dạy văn hóa đã có từ trước trong trường nghề, trong khi lại phải liên kết với TTGDTX. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng cho rằng việc quản lý của TTGDTX dù chỉ trên danh nghĩa nhưng lại khiến trường nghề mất đi sự tự chủ trong việc sắp xếp giảng dạy chương trình học cân bằng giữa học nghề và học văn hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các trường trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa kêu cứu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO