Bình Chánh: Đất sử dụng ổn định hơn 30 năm vẫn bị xử phạt lấn chiếm

Đức Khải| 11/06/2021 11:53

Nhà nước có chủ trương lấp rạch làm đường giao thông. Để chống sạt lở, xã cho phép người dân san lấp phần rạch còn lại để sử dụng. Nhiều người được cấp sổ trên phần đất san lấp. Tuy nhiên, đến năm 2020, UBND xã lập biên bản vi phạm hành chính đối với một hộ dân liên quan đến đất san lấp này.

Theo phản ánh của ông Thái Hồng Phước, ngụ Ấp 2 xã Qui Đức, huyện Bình Chánh, TP.HCM, thửa đất ông đang sinh sống hiện nay được cha ông là Thái Văn Vân khai phá và sử dụng từ năm 1948, được chính quyền thời đó cấp giấy chứng nhận.

Giáp ranh nhà ông có rạch Cầu Hội, chảy qua địa bàn xã. Năm 1990, nhà nước chủ trương lấp con rạch này làm đường giao thông (nay là đường Phan Thị Tánh). Để chống sạt lở mặt đê, xã cho phép nhân dân san lấp phần rạch còn lại để ở và canh tác. Phần đất đối diện nhà ông Phước được cấp cho một số cán bộ xã thời điểm đó và được cấp sổ. Năm 2005, Chi nhánh Công ty Trắc địa bản đồ Bộ Quốc phòng tiến hành đo đạc trên toàn bộ xã để phục vụ thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.

qui-duc-binh-chanh.jpg
Bản vẽ vị trí con rạch (đường kẽ màu xanh) nay đã bị lấp hết

Theo Phiếu công khai hiện trạng nhà, đất của gia đình ông Phước được xác lập 14/12/2005, tại mục Nhận xét đề xuất của cán bộ thụ lý (địa chính xã) xác nhận thửa đất không phát sinh tranh chấp, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cùng năm này, ông Thái Văn Vân cho con trai là Thái Hồng Phước toàn bộ thửa đất trên. Trên thửa đất của mình, ông Phước cất nhà ở, phần đất còn lại bao gồm cả thửa cũ và sát nhập thêm phần đất lấp rạch, ông làm nhà kho, sau đó xin sửa chữa thành phòng trọ để cho thuê và sử dụng ổn định cho đến nay.

Tại các thời điểm sửa nhà vào các năm 2008, 2013, 2015, cán bộ UBND xã Qui Đức đều có khảo sát và cho phép sửa chữa, không có một biên bản vi phạm hành chính nào được lập. Không những thế, gia đình ông đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (GCNĐKKD) ngành nghề dịch vụ nhà cho thuê theo GCNĐKKD 41T8023302 do UBND huyện Bình Chánh cấp ngày 14/7/2016, và đóng thuế đều đặn cho đến nay nhưng không một cơ quan nào có ý kiến.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, UBND xã Qui Đức bất ngờ tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Phước, trong đó hành vi vi phạm được xác định là chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực nhưng ghi khống nội dung là chủ nhà vắng mặt nông thôn với tổng diện tích đất vi phạm 374,4m2, trong đó xây dựng công trình trên đất có diện tích 231,4m2.

qui-duc-binh-chanh2.jpg
Khu dân cư nhìn từ flycam đã không còn con rạch.

Ông Phước cho biết, không rõ UBND xã đo đạc khi nào, và đơn vị đo đạc có chức năng đo đạc hay không mà vẫn có số liệu trong biên bản xử phạt vi phạm hành chính để trình cấp trên. Không những thế, trong Quyết định cưỡng chế của UBND huyện Bình Chánh, lại không xác định chính xác ranh giới vị trí và diện tích đất vi phạm mà chỉ ghi hết sức chung chung, chẳng hạn tại mục 3, ghi rõ: “phần diện tích vi phạm chiếm đất năm 2008 khoảng 73m2, diện tích công trình vi phạm trên đất khoảng 58,3m2”.

Về nguồn gốc đất trên, ông Dương Công Di Linh, Phó chủ tịch UBND xã Qui Đức cho biết, trước đây, khu đất này là Rạch Cầu Hội, chảy qua địa bàn xã, trong đó có đoạn tiếp giáp với phần đất nhà ông Phước. Năm 1990, nhà nước chủ trương lấp con rạch này, trong đó phần đất đối diện nhà ông Phước được cấp cho một số cán bộ xã thời điểm đó.

Theo Bản đồ hiện trạng vị trí do Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất Bình Chánh xác nhận ngày 24/7/2013 (thời điềm này cơ quan trên trực thuộc UBND Huyện Bình Chánh), vị trí thửa đất của ông Phước thuộc một phần thửa 145, tờ bản đồ số 1 (tài liệu 299/TTg), thuộc một phần thửa 107, 108 tờ bản đồ số 1 (tài liệu 02/CT-UB), và thuộc một phần thửa 109 (tài liệu đo đạc 2005). Trong đó, phần diện tích ông lấp rạch là 339m2, thuộc loại đất thủy lợi.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Nhàn, Đoàn LS TP.HCM cho biết, căn cứ quy định tại các Điều 57, 58, 59 và Điều 68 Luật xử lý vi phạm hành chính và nhằm hạn chế các khiếu nại của tổ chức, cá nhân, tổ chức vi phạm sau khi quyết định xử phạt vi phạm hành chính được ban hành, tránh lãng phí thời gian khiếu nại của công dân và giải quyết khiếu nại của cơ quan nhà nước, việc lập biên bản vi phạm hành chính phải đảm bảo nguyên tắc quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính: “Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính”. Để xác định ông Phước chiếm đất, các tài liệu chứng từ là thành phần hồ sơ xử lý vi phạm cần đảm bảo xác định đúng hành vi này theo Điều 3 nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019.

Do đó, UBND xã phải đo đạc để xác định rõ phạm vi, ranh giới phần đất lấn chiếm của ông Phước. Trên thực tế, nếu đúng như ông Phước phản ánh, đã không có đơn vị hay cán bộ xã nào vào thực địa đo đạc, nhưng vẫn có số liệu báo cáo cấp trên. Điều này cần đặt dấu hỏi về quy trình xử lý vi phạm hành chính của UBND xã Qui Đức liệu đã đúng quy định pháp luật?

Tổng diện tích dãy nhà trọ của ông Phước là 240m2, được xây dựng trên thửa đất gộp từ thửa cũ (mục đích sử dụng đất ở) và phần san lấp rạch năm 1991 đến năm 1995. Tuy nhiên UBND xã Qui Đức lại xác định toàn bộ diện tích này là xây dựng công trình trên đất vi phạm, phải chăng đây là hệ quả của việc không vào thực địa kiểm tra đo đạc thực tế của xã mà ông Phước đã phản ánh? Trong trường hợp UBND huyện tiến hành cưỡng chế tháo dỡ trên diện tích đất ở thì trách nhiệm này thuộc về bên nào, và cơ quan nào thực hiện bồi thường thiệt hại cho người dân?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Chánh: Đất sử dụng ổn định hơn 30 năm vẫn bị xử phạt lấn chiếm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO